ThienNhien.Net – Thế giới hiện đang chứng kiến sự biến mất của vô số loài chim lớn mà chưa tìm được cách nào ngăn chặn triệt để. Và theo Sách đỏ 2011 về các loài chim mà Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International) vừa công bố thì loài ô-tác lớn Ấn Độ (Ardeotis nigriceps) – một trong những loài chim lớn nhất hành tinh của chúng ta – cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Thậm chí, loài ô-tác này còn bị cảnh báo ở cấp độ đe dọa nghiêm trọng nhất – mức cực kỳ nguy cấp (CE).
Các loài chim lớn lâm nguy
Với chiều cao 1m và cân nặng gần 15kg, ô-tác lớn Ấn Độ đã từng tung hoành khắp các vùng đồng cỏ Ấn Độ và Pakistan. Song tất cả chỉ là quá khứ, giờ đây nơi cư trú của loài ô-tác chỉ còn rải rác ở một số khu vực nhỏ bé, biệt lập. Hoạt động săn bắn đã gây xáo trộn môi trường sống và tình trạng phân tán đã khiến cộng đồng ô-tác bị giảm xuống chỉ còn 250 cá thể.
“Trong một thế giới đang ngày một đông đúc, những loài cần nhiều không gian sống, như ô-tác lớn Ấn Độ, cứ lặng lẽ biến mất dần. Tuy nhiên, chính loài người chúng ta mới bị mất mát nhiều nhất khi những gì tự nhiên mang lại cho chúng ta không còn nữa”, Tiến sĩ Leon Bennun, Giám đốc Khoa học và Chính sách của BirdLife, khẳng định.
Năm nay, Sách đỏ về các loài chim đã thống kê được tổng số 1.253 loài bị đe dọa, chiếm tới 12% quần hệ chim trên Trái đất.
Theo Tiến sĩ Stuart Butchart thuộc BirdLife: “Loài chim mở cho ta một cánh cửa mới để nhìn rộng ra thế giới. Đây cũng là loài chỉ thị vô cùng chuẩn xác về sức khỏe hệ sinh thái: nếu tình trạng của chúng ngày càng xấu đi thì hẳn là đời sống tự nhiên nói chung cũng không khá hơn gì. Những thay đổi đang diễn ra trong năm nay sẽ được cập nhật trong Sách đỏ về các loài chim, một công cụ bảo tồn đặc biệt hữu ích đối với chính phủ các nước, các doanh nghiệp và tổ chức Liên Hợp quốc”.
Một loài khác cũng đang nằm trong diện cực kỳ nguy cấp (CE) giống ô-tác lớn Ấn Độ là chim Icterus northropi. Chúng thường sống ở các miền rừng lớn và làm tổ trên những cây dừa. Khảo sát gần đây chỉ ra rằng số lượng loài chim Caribe xinh đẹp này có thể chỉ còn lại 180 cá thể. Bệnh vàng lá ở dừa đã phá hủy tổ của chúng. Tuy nhiên, ngoài việc mất nơi làm tổ, Icterus northropi còn bị đe dọa bởi sự xâm nhập của chim Molothrus bonariensis – một loài chuyên đẻ trứng vào tổ của các loài chim khác.
Những tin vui bảo tồn hiếm hoi
Mặc dù tình trạng “vắng bóng” xuất hiện ở nhiều loài, song Sách đỏ 2011 cũng đã dẫn ra một số loài được xoay chuyển “số phận” nhờ hoạt động bảo tồn – Andy Symes, Cán bộ Chương trình Loài Toàn cầu của BirdLife, vui mừng cho biết.
Mồng két Campbell (Anas nesiotis) là một ví dụ. Hưởng lợi từ một chương trình diệt chuột lớn, cộng với hiệu quả của quá trình gây nuôi, loài này đã sớm được thả về đảo Campbell (New Zealand) và phần lớn đều sinh trưởng, phát triển tốt. Với thành quả ấy, mồng két Campbell đã được tái phân loại sang mức nguy cấp (E).
Bên cạnh đó, ba loài bồ cầu trên đảo Atlantic cũng đang được lợi nhờ bảo tồn. Khi chứng minh được rằng mức độ nghiêm trọng của những mối đe dọa đang tồn tại xung quanh cuộc sống của bồ câu Columba trocaz, bồ câu C. junoniae và bồ câu C. bollii phần nào giảm bớt, đồng thời thấy được những nỗ lực tăng cường bảo vệ ngay tại nơi cư trú mới của chúng, những loài này đã được chuyển sang mức độ đe dọa thấp hơn.
Ngoài hai loài nói trên, còn có thêm 13 loài chim khác được chuyển sang danh sách loài bị đe dọa chỉ trong vòng 1 năm. “Dù đây chưa phải là một hướng đi ổn định; song con số sẽ tệ hơn nhiều nếu các sáng kiến bảo tồn không được triển khai”, Jean-Christophe Vié, Phó Giám đốc Chương trình Loài Toàn cầu của IUCN cho biết.
Ông còn khẳng định: “Những thông tin đến từ BirdLife hết sức hữu dụng, có thể giúp chúng ta tiếp tục củng cố các nỗ lực bảo tồn. Và nay, khi khủng hoảng đa dạng sinh học đang tác động tới vấn đề sức khỏe, nó lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thậm chí nếu chúng ta không can thiệp mạnh tay hơn thì cuộc khủng hoảng ấy sẽ nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
Về phần mình, Tiến sĩ Bennun đặc biệt nhấn mạnh: “Loài chim luôn gắn bó với nền văn hóa của nhân loại. Vì vậy, chúng ta cần nhân đôi mọi nỗ lực cứu lấy những loài đang bị đe dọa, nếu không rủi ro ta gặp phải sẽ không chỉ là mất đi những sinh vật vĩ đại giống như ô-tác lớn Ấn Độ, mà còn là việc suy yếu cấu trúc của các hệ sinh thái duy trì sự sống con người”.
Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International) là một liên minh toàn cầu trong lĩnh vực bảo tồn hệ chim, hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ quan chuyên môn hàng đầu nghiên cứu về thực trạng các loài chim, nơi cư trú và các vấn đề ảnh hưởng đến chúng. Sách Đỏ về các loài chim của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) được ủy thác cho Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế thực hiện. Xuất bản 4 năm một lần, cuốn sách này sẽ cập nhật đầy đủ thông tin về tất cả các loài chim, bao gồm những đánh giá toàn diện về tình trạng bảo tồn các loài chim trên thế giới. |