ThienNhien.Net – Nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất và quản lý trong lĩnh vực môi trường, đồng thời bổ sung cơ sở pháp lý cho việc thẩm định, phê duyệt các dự án liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã ban hành Thông tư 17/2011/TT-BTNMT quy định về quy trình kỹ thuật thành lập bản đồ môi trường (không khí, nước mặt lục địa, nước biển).
Thông tư quy định, bản đồ môi trường được thành lập dựa theo 3 phương pháp và 7 bước quy trình công nghệ, trong từng phương pháp sẽ xây dựng 7 bước quy trình khác nhau.
Chẳng hạn, Phương pháp sử dụng bản đồ nền cơ sở địa lý kết hợp với điều vẽ ảnh vệ tinh sẽ tương ứng với các bước quy trình: 1- Biên tập khoa học; 2 – Công tác chuẩn bị; 3 – Thu nhận dữ liệu chuyên đề về môi trường; 4 – Công tác tổng hợp, phân tích và làm giàu dữ liệu. 5 – Biên tập bản đồ. 6 – Tạo lập metadata cho bản đồ. 7- Kiểm tra, nghiệm thu và giao nộp sản phẩm.
Ngoài một số nội dung chung về cơ sở toán học và cơ sở địa lí của bản đồ môi trường, Thông tư cũng quy định rõ các yếu tố chuyên đề của từng lĩnh vực.
Cụ thể, bản đồ môi trường không khí bao gồm việc thể hiện mạng lưới các điểm quan trắc không khí; các đối tượng kinh tế – xã hội liên quan trực tiếp đến các vấn đề về môi trường không khí như khu công nghiệp, khu đô thị lớn, khu kinh tế trọng điểm…; các cơ sở gây ô nhiễm không khí; mức độ ô nhiễm; nguy cơ ô nhiễm; cấp độ ảnh hưởng; mưa axit.
Nội dung bản đồ môi trường nước mặt lục địa tập trung đánh dấu mạng lưới các điểm quan trắc; ranh giới tự nhiên các lưu vực sông; ranh giới xâm nhập mặn; hồ chứa nước và hệ thống đập, kênh dẫn nước; các điểm, tuyến và vùng môi trường nước mặt lục địa bị ô nhiễm và các thuộc tính của từng đối tượng bị ô nhiễm, mức độ ô nhiễm…
Trong khi đó, nội dung của bản đồ môi trường nước biển thể hiện các đối tượng liên quan đến môi trường nước biển; trầm tích đáy; các sự cố tràn dầu; bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển…