Nỗ lực bảo vệ môi trường, nâng chất lượng cuộc sống

ThienNhien.Net – Trồng loại cây thích hợp ở vùng cát ven biển, phát triển rừng ngập mặn, rừng đặc dụng… là hướng thiết thực bảo vệ môi trường, nâng chất lượng cuộc sống cộng đồng mà nhiều địa phương đang thực hiện rất hiệu quả.

Rừng ngăn cát ở Thừa Thiên – Huế

Sau nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, đến nay tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tìm được nhóm cây trồng thích hợp phát triển rừng vùng cát ven biển.

Hiện các địa phương trong vùng đã hình thành tuyến rừng phòng hộ ven biển chạy dài từ Phú Lộc đến Quảng Điền với loại cây chủ yếu là phi lao và cây tràm hoa vàng. Bên cạnh đó, nhóm các loại thực vật hoang dại chống cát bay, cát lấp như xương rồng, tràm, mua, sim, dứa dại… cũng góp phần đa dạng hóa thành phần loài cho thảm thực vật vùng cát phòng hộ ven biển.

Tại Thừa Thiên – Huế, hệ thống đồi cát ở vùng Ngũ Điền (Phong Điền), Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền), Hải Dương (Hương Trà) và các vùng khác như Phú Vang, Phú Lộc trước đây vốn hoang hóa, giờ đã được phủ xanh. Nhiều khu dân cư mới đã hình thành dưới những tán rừng, tạo điều kiện về cảnh quan để phát triển du lịch ven biển và kinh tế trang trại trên cát.

 

Cây phi lao, một trong những loại cây được chọn để tập trung phát triển rừng vùng cát ven biển và đầm phá tại Thừa Thiên – Huế (Ảnh minh họa: Hue.vnn.vn)

 

Thông qua trồng rừng, Thừa Thiên – Huế đã có 2.230 hộ với hơn 10.000 lao động và 21 tập thể được tạo việc làm, có thêm thu nhập thông qua nhận khoán quản lý bảo vệ, trồng và chăm sóc, sản xuất cây giống.

Tìm được bộ giống cây trồng thích hợp để phát triển mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển hiện nay giúp Thừa Thiên – Huế khắc phục dần tình trạng sạt lở bờ biển, hiện tượng cát bay, cát trôi, cát chuồi từng khiến đất trồng bị nhiễm mặn, sa mạc hóa cảnh quan, gia tăng hạn hán, ngập úng do lún sụt địa tầng…

Hà Nội với dự án rừng đặc dụng Hương Sơn

UBND Tp. Hà Nội đã cho phép đầu tư dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

Quy mô dự án nhằm bảo vệ 3.798ha rừng. Trong khuôn khổ dự án, sẽ có 15km đường băng cản lửa và 10km đường lâm sinh được xây dựng.

Dự án nhằm bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các loài cây quý hiếm, cũng như bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan khu du lịch rừng Hương Sơn. Từ đó tạo tiền đề phát triển sản xuất, du lịch sinh thái, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực phát triển.

Hà Nội hiện có 6.918ha rừng tự nhiên. Thành phố đã cấm việc khai thác gỗ trong các khu rừng đặc dụng ở Vườn Quốc gia Ba Vì, rừng đặc dụng Hương Sơn nhằm bảo tồn các nguồn gien, bảo vệ hệ sinh thái rừng, phòng hộ, bảo vệ môi trường, cảnh quan rừng, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.

Rừng đặc dụng ven biển ở Kiên Giang

Mô hình thí điểm trồng rừng ngập mặn nhằm phục hồi bờ biển bị xói mòn tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) do Chính phủ Australia và Đức tài trợ vừa hoàn thành giai đoạn 1.

Khu vực rừng ngập mặn đã được phục hồi, tái sinh sau 3 năm áp dụng mô hình thử nghiệm dựng hàng rào làm từ cây tràm, mành tre giúp ngăn sóng và giữ bùn ở Vàm Rầy (Ảnh: Tuoitre.vn)

Tại dự án này, cây tràm đã được chọn để trồng ở Vàm Rầy. Sau 3 năm, cây lớn nhanh, có khả năng tái sinh và điều đặc biệt là khả năng tái sinh còn tốt hơn là trồng mới. Hơn nữa, thay vì mỗi năm Kiên Giang có thể bị sóng đánh cuốn đi trung bình 30m đất ven biển, thì nay người dân đã có thể tự tin vay tiền ngân hàng đầu tư trồng trọt hoa màu, nuôi thủy sản mà không sợ sóng đánh cuốn đi nhà cửa, của cải như trước.

Những kết quả khả quan ban đầu đang tiếp thêm sức cho người dân địa phương tại một trong những huyện nghèo nhất và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng lở đê, xâm nhập mặn ở Kiên Giang – có hy vọng về khả năng thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu – bài toán nan giải hiện nay.

Mô hình trồng rừng ngập mặn mới này đã đáp ứng được nhiều yêu cầu như sử dụng nguyên liệu địa phương, sử dụng kiến thức của địa phương và nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác với chi phí rẻ. Nó cũng chứng minh một thực tế ở nước ta là ở nhiều nơi, khi bão lớn tràn vào, nơi nào có rừng ngập mặn, nơi đó vẫn còn các con đê.

Ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết, các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao kết quả thực tiễn trồng rừng ngập của dự án này. Đây chính là cơ sở để Chính phủ Australia và Đức quyết định mở rộng thành Chương trình chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới (kéo dài 5 năm).