ThienNhien.Net – Theo “Báo cáo Đặc biệt về Nguồn năng lượng Tái tạo và Giảm nhẹ Biến đổi Khí hậu” của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), đến năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng gần 80% lượng cung cấp năng lượng trên toàn thế giới, góp phần giảm thiểu tác động của các vấn đề sức khỏe liên quan tới ô nhiễm. Và các nước đang phát triển chính là nơi sản sinh ra hơn 50% lượng điện năng tái tạo này.
Công nghệ tái tạo có thể cung cấp năng lượng cho hơn hai tỷ người ở các quốc gia đang phát triển và giảm các tác động sức khỏe do ô nhiễm. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ xảy ra khi các nhà hoạch định chính sách tạo lập được các chính sách khả thi và hiệu quả về chuyển giao công nghệ; nâng cao nhận thức về công nghệ tái tạo thông qua truyền thông – giáo dục và tăng nguồn đầu tư tài chính cho việc thực thi.
Bàn về khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo, Sven Teske, tác giả chính của Báo cáo, đồng thời là Giám đốc Năng lượng Tái tạo của Tổ chức Hòa bình Xanh, cho hay: “Năng lượng tái tạo có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các nước đang phát triển – nơi vẫn còn hơn 2 tỷ người không được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng cơ bản – và nguồn năng lượng này có thể thực hiện điều đó một cách nhanh chóng và cạnh tranh hơn về giá so với các nguồn năng lượng truyền thống”.
“Do đó, các chính phủ phải sớm khởi động một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu bằng cách áp dụng và thực thi các chính sách về năng lượng tái tạo”, ông nhấn mạnh.
Cần một cuộc cách mạng năng lượng tái tạo toàn cầu
Báo cáo của IPCC tập trung vào năng lượng sinh học, thủy điện và các dạng năng lượng gió, biển, địa nhiệt và mặt trời. Theo bản báo cáo, chỉ riêng năm 2008, tất cả những nguồn này đã tạo ra gần 13% lượng cung cấp năng lượng toàn cầu, chủ yếu đến từ năng lượng sinh khối truyền thống được sử dụng để đun nấu và sưởi ấm ở các nước đang phát triển. Từ năm 2008 – 2009, có tới gần một nửa lượng điện năng mới trên thế giới đến từ các nguồn tái tạo.
Công nghệ năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững mà không làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. Và việc tận dụng những loại hình công nghệ ấy ngay trong nội địa có thể giúp cắt giảm chi phí nhập khẩu năng lượng và tạo nguồn cung năng lượng ít gây ra sự chia rẽ và biến động thị trường.
Đặc biệt, công nghệ năng lượng tái tạo còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, cung cấp điện năng giá rẻ cho các khu vực nông thôn nghèo, thúc đẩy việc đạt được Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) trong tương lai không xa.
Tuy vậy, cũng cần phải nói rằng, bên cạnh những tác động tích cực, công nghệ mới khó tránh khỏi đem lại những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn nước và đa dạng sinh học. Điều này nên được cân nhắc thận trọng trong các giai đoạn xây dựng kế hoạch.
Ngoài ra, bản báo cáo còn nhận diện rõ rằng rào cản chính đưa nhu cầu năng lượng tái tạo trở thành lượng cầu chủ yếu về năng lượng không phải là công nghệ, mà là các vấn đề kinh tế – xã hội, điển hình là vấn đề chính sách, đầu tư…. Từ đó báo cáo kêu gọi có nhiều nghiên cứu hơn về “những cơ hội đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển bằng các loại hình dịch vụ năng lượng tái tạo bền vững”.
Tại lễ công bố Báo cáo của IPCC, Ramón Pichs Madruga, đồng tác giả chính của Báo cáo cho biết: “Các nước đang phát triển có một tầm quan trọng lớn trong tương lai này bởi đây vừa là nơi còn 1,4 tỷ người chưa được tiếp cận với điện, lại vừa là nơi chứa đựng những điều kiện tốt nhất để phát triển năng lượng tái tạo”.