ThienNhien.Net – Chỉ trong vòng hai năm 1999 và 2000 tại Madagascar, các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 615 loài sinh vật, bao gồm 385 loài thực vật, 42 loài xương sống, 17 loài cá, 69 loài lưỡng cư, 61 loài bò sát và 41 loài động vật có vú. Song rất nhiều trong số những sinh vật độc đáo và đặc hữu này đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Được mệnh danh là một trong những vùng rừng nhiệt đới hoang dã lớn nhất còn sót lại, đồng thời là mái nhà của nhiều loài sinh vật tự nhiên kỳ thú, quần đảo Madagascar sở hữu tới 5% số loài động, thực vật trên thế giới, 70% trong số đó không thể tìm thấy ở bất cứ đâu ngoài Madagascar.
Tuy nhiên, hiện tại “thiên đường” đa dạng sinh học này đang lâm nguy khi mà nhiều loài sinh vật nối đuôi nhau đứng bên bờ tuyệt chủng. Môi trường sống ở Madagascar gần đây luôn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, nghiêm trọng nhất là nạn phá rừng. Theo tính toán của các chuyên gia, hòn đảo này đã bị mất đi 90% độ che phủ rừng ban đầu.
Đi cùng hiện tượng xói mòn và lắng trầm tích của các vỉa san hô, sự gia tăng nạn phá rừng, hủy hoại nơi cư trú đã gây tổn hại nghiêm trọng chưa từng có tới các quần thể sinh vật tại đây. Mặc dù chỉ mới được phát hiện, nhưng nhiều loài động, thực vật, trong đó có cả vượn cáo Microcebus berthae – loài linh trưởng nhỏ nhất thế giới, đang phải đương đầu với nguy cơ tuyệt chủng.
Thêm nữa, hạn hán cũng buộc người dân phải rời bỏ đồng ruộng và tiến ra vùng biển làm công việc đánh bắt cá, dẫn đến sự thu hẹp nghiêm trọng của các quần hệ cá trên đảo.
Các cánh rừng mưa nhiệt đới ở Madagascar cũng đang bị tàn phá để lấy gỗ quý, điển hình là gỗ hồng sắc. Hàng chục nghìn héc-ta rừng trên khắp quần đảo đều bị ảnh hưởng, bao gồm cả những vườn quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất như Marojejy, Masoala, Makira và Mananara.
Hoạt động khai thác gỗ còn kéo theo sự gia tăng của nạn buôn bán thịt thú rừng. Nhiều nhà hàng phía bắc Madagascar rao bán thịt vượn cáo với giá chỉ 3 euro/đĩa.
Trước thực trạng nóng bỏng trên, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) – Madagascar đang triển khai các nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học của quần đảo, đồng thời tăng cường thúc đẩy các phương thức sinh kế bền vững giúp người dân nơi đây chung sống hài hòa với tự nhiên.