Cao Bằng: Tìm hướng bảo tồn và phát triển cây thuốc nam

ThienNhien.Net – Sở hữu hơn 600 loài cây thuốc, hơn 1.000 bài thuốc dân gian và hơn 800 lương y với nhiều kinh nghiệm chữa bệnh quý báu nhưng Cao Bằng vẫn chưa thể bứt phá để trở thành địa phương đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.

Giá trị thần diệu từ các bài thuốc nam

Do có địa hình, thổ như­ỡng và điều kiện khí hậu thích hợp nên hầu hết các tỉnh miền núi Bắc đều có thảm thực vật phát triển, trong đó có nhiều loài cây được sử dụng để làm thuốc. Riêng tại Cao Bằng, kết quả điều tra thực vật giai đoạn 1969-1973 tuy chưa đầy đủ nhưng cho thấy có tới hơn 617 loài được sử dụng làm thuốc thuộc 211 họ thực vật, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý như Kê huyết đằng, Hà thủ ô đỏ, Ba kích, Thổ phục linh, Bình vôi, Chè dây, Hoàng bá, Bảy lá một hoa, Lan gấm, Kim ngân, Cỏ ban hoa vàng, Bách bộ, Hồi đầu thảo, Hoàng đằng, Cửu lý hương, Cẩu tích, Chè đắng, Sâm cau, Thiên niên kiện, Hoài sơn, Câu đằng…

Không chỉ sở hữu hàng trăm loài cây thuốc quý, Cao Bằng còn lưu giữ rất nhiều bài thuốc dân gian, có khả năng chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

Ghé thăm xã Vị Quang, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đã được người dân địa phương kể cho nghe câu chuyện về bài thuốc chữa bệnh kỳ diệu của cố Lương y Tạ Có. Từ thời kì chiến tranh biên giới 1979, có 9 anh bộ đội bị thương nặng với nhiều mảnh đạn găm sâu vào người. Cố Lương y Tạ Có khi đó đã được mời đến chữa bệnh cho 9 anh thương binh này. Ông không cố mổ để lấy mảnh đạn mà chỉ lặng lẽ vào rừng tìm lá thuốc để đắp vào các vết thương. Thật kì lạ, chỉ sau khoảng một tuần, các mảnh đạn đều tự “đùn” ra ngoài và ông Tạ chỉ việc gắp bỏ chúng một cách dễ dàng.

Cây trẩu bản được anh Hoàng Đức Huy dùng để chữa xương cá đâm vào tay (Ảnh: Hoài Thanh - Quốc Đạt)

Chuyện lấy nhựa cây trẩu bản để chữa bệnh cho anh Hoàng Đức Duy, Cán bộ Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Cao Bằng cũng mầu nhiệm không kém. Năm 2009, anh bị xương cá cắm sâu vào bàn tay, mưng mủ đau nhức. Anh đến bệnh viện chụp X quang và thực hiện tiểu phẫu nhưng các bác sĩ không thể tìm thấy chiếc xương dăm quá nhỏ. Nhờ người mách nước, anh đã lấy nhựa cây trẩu bản (loại cây này thường trồng làm hàng rào) để bôi vào vết thương và cũng chỉ sau một tuần, chiếc xương sắc nhọn dài hơn 1cm đã tự chồi ra ngoài.

Trên đây chỉ là hai mẩu chuyện rất nhỏ trong số hàng nghìn bài thuốc từng và đang được sử dụng bởi các ông lang, bà mế ở Cao Bằng.

Tài nguyên cây thuốc bị khai thác quá mức

Tài nguyên cây thuốc ở Cao Bằng tương đối phong phú, phân bố đều ở cả 13 huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều loài cây thuốc quý hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì bị khai thác quá mức.

Điều đáng ngại là tình trạng khai thác, buôn bán tài nguyên cây thuốc rất khó kiểm soát. Phía cơ quan chức năng thì thiếu chế tài quản lý, xử phạt, còn người dân thì mặc nhiên coi cây thuốc là của “trời cho” nên ra sức khai thác theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Việc đào bới cây thuốc dần trở thành kế sinh nhai cho các gia đình nên hễ vào dịp nông nhàn là cả người lớn lẫn trẻ em lại lũ lượt kéo nhau vào rừng tìm cây thuốc bán cho đầu nậu.

Thật xót xa khi có những loài cây thuốc chỉ được bán với giá vài trăm đồng/kg nhưng cũng loại cây ấy, sau khi qua sơ chế hoặc chế biến lại được nhập về Việt Nam với giá đắt hơn rất nhiều lần. Đơn cử như Sói rừng, loại cây từng được Trung Quốc thu mua rốt ráo trong một thời gian dài với giá chỉ vài trăm đến vài nghìn đồng/kg nhưng khi được chiết xuất thành thuốc chữa ung thư tuỵ, dạ dày, gan, trực tràng,viêm não B truyền nhiễm…, chúng được nhập trở lại với giá cả bạc triệu/liều.

Hoạt động này không chỉ làm suy giảm nguồn tài nguyên vốn dồi dào mà còn làm thất truyền nhiều bài học quý về tri thức sử dụng cây thuốc, gây thiệt hại lớn cho quốc gia và địa phương.

Nguy cơ thất truyền nhiều bài thuốc quý

Thực tế cho thấy, nếu để mất nguồn tài nguyên cây thuốc thì sẽ đồng thời làm mất đi nhiều bài thuốc và số lượng người biết sử dụng những bài thuốc đó cũng mai một. Bên cạnh đó, việc chưa hệ thống và tư liệu hóa các bài thuốc gia truyền cũng là nguyên nhân khiến nhiều bài thuốc quý có nguy cơ thất truyền.

Theo ông Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng, rất nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo từng đi chạy chữa khắp nơi bằng phương pháp Tây y nhưng không khỏi, về sau lại được cứu chữa bởi các lương y địa phương. Tuy nhiên, phần lớn những lương y giỏi của tỉnh hiện đã già, nhiều người trong số họ lại không tìm được truyền nhân. Có lương y khi mất đi thì những bài thuốc nổi tiếng của họ cũng không còn được ai nhắc đến nữa, trường hợp như Lương y Tạ Có là một điển hình, khi ông mất thì bài thuốc nổi tiếng năm xưa cũng không còn.

Cũng theo ông Bé, Hội Đông y tỉnh hiện đã sưu tầm được một số bài thuốc chữa bệnh dân gian nhưng do khó khăn về kinh phí nên Hội không có điều kiện để tiếp tục sưu tầm. Những bài thuốc đã sưu tầm được cũng không có kinh phí để in thành sách nên bản thân những bài thuốc này cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Thêm một khó khăn trong công tác tư liệu hóa các bài thuốc gia truyền hiện nay là những tri thức về cách sử dụng thuốc vốn không được truyền bá rộng. Nhiều lương y dân tộc thiểu số lại không biết chữ nên không thể ghi chép, truyền lại cho thế hệ sau. Trong khi đó, quy định của Nhà nước về hành nghề lương y ngày càng chặt chẽ, những lương y có bài thuốc độc đáo muốn hành nghề phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Nhưng điều này dường như rất khó đối với nhiều lương y người dân tộc bởi họ không biết chữ và vốn không hiểu nhiều quy trình, thủ tục đăng ký phức tạp.

Bài thuốc tắm của người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai hiện đã được đăng ký sở hữu trí tuệ (Ảnh: dddulichvietnam.com.vn)

Theo TS. Trần Văn Ơn, Trưởng Bộ môn Thực vật, Giám đốc Công ty Dược khoa – Trường Đại học Dược Hà Nội, để giải quyết những bất cập trong nhận thức và cách ứng xử với các quy định về sở hữu các bài thuốc nam, cần tiến hành đồng thời hàng loạt các giải pháp như: hiện đại hóa y học cổ truyền; hợp đồng trong sàng lọc, nghiên cứu và phát triển thuốc mới; thương mại hoá sản phẩm bản địa; đăng ký nhãn hiệu; công bố tri thức truyền thống.

Trong đó, việc đăng kí sở hữu trí tuệ các bài thuốc chữa bệnh bằng y học cổ truyền sẽ là giải pháp hữu hiệu chống lại tình trạng ăn cắp bản quyền.

Hướng phát triển dựa trên cây thuốc đặc hữu

Song song với các yêu cầu trên, Cao Bằng cũng cần tiến hành phát triển các mô hình trồng và sản xuất cây thuốc dựa trên việc lựa chọn các loài cây thuốc đặc hữu ở từng địa phương.

Mô hình trồng cây thuốc nam trên thực tế mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chỉ cần địa phương tìm được một loài cây đặc hữu thì có thể phát triển và liên kết chặt chẽ với các công ty dược phẩm, giúp người dân nơi đó có điều kiện thoát nghèo và làm giàu. Không ít vùng miền đã khai thác tốt thế mạnh này, mở ra hướng đi mới cho bà con, đơn cử như mô hình trồng cây thuốc ở Tuy Hòa (Phú Yên); Tân Mỹ, Yên Dũng (Bắc Giang); Văn Lâm (Hưng Yên); Nam Định; Thái Nguyên, đặc biệt là mô hình sản xuất sản phẩm thuốc tắm cổ truyền của người Dao đỏ ở Sa Pa (Lào Cai)…

Với Cao Bằng, TS. Ơn nhấn mạnh: “Đây là một trong những địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài cây thuốc quý hiếm. Trên cơ sở nghiên cứu bước đầu, chúng tôi nhận thấy cây đặc hữu của Cao Bằng là cây Xuyên tim, tiếng Tày gọi là cây Xien slim; cây Bioóc phón (có tác dụng làm giảm nếp nhăn rất tốt) mà người địa phương vẫn thường dùng để nấu xôi; các cây như Ấu tầu, Sói rừng, Ô đầu cũng rất tiềm năng. Hiện công ty chúng tôi đang nghiên cứu các loại cây và bài thuốc dân tộc của Cao Bằng, nếu thành công, chúng tôi sẽ ký hợp đồng thu mua các loại cây này. Tuy nhiên, chúng tôi phân vân, liệu thời gian tới, những loại cây này có còn để người dân có thể trồng và bán như những cây nguyên liệu, hàng hóa cho công ty”.

Th.S Nguyễn Văn Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco cũng khẳng định: “Hiện nay, tỉnh Cao Bằng chưa quy hoạch vùng trồng cây dược liệu để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Traphaco. Nếu Cao Bằng đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên liệu, Công ty sẵn sàng hợp tác với chính quyền và các tổ chức y dược và nhân dân địa phương phát triển nguồn dược liệu theo mô hình 4 nhà (Nhà nước – nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà nông) để phát huy thế mạnh cây dược liệu Cao Bằng theo phương châm phát triển bền vững nhằm đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”.

Hy vọng, với những gợi mở từ phía doanh nghiệp và nhà khoa học, Cao Bằng sớm có thể tìm ra được hướng bảo tồn, nhân rộng và phát triển các loài cây thuốc cũng như các bài thuốc quý hiện có.