Kỳ 1: Mạch sống trên đất Nà Hang
ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Tát Kẻ – Bản Bung có hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa. Nơi đây còn được biết đến bởi những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, bạt ngàn cây cổ thụ. Đó là thành quả có được nhờ tâm huyết của đội ngũ cán bộ kiểm lâm, ban quản lý và cộng đồng dân cư.
Nằm trong một tỉnh có độ che phủ rừng đứng ở vị trí thứ 3 của cả nước (62,8% – số liệu năm 2009), KBTTN Tát Kẻ – Bản Bung có những lợi thế để bảo tồn nguyên vẹn những giá trị về đa dạng sinh học.
Khu bảo tồn được thành lập theo Quyết định số 247/QĐ-UB, ngày 09/5/1994 của UBND tỉnh Tuyên Quang, trên cơ sở trước đó là rừng đặc dụng Nà Hang, với diện tích bảo tồn được phê duyệt là 41.930 ha.
Năm 2007, sau quá trình rà soát và quy hoạch lại rừng, diện tích khu bảo tồn giảm xuống còn 22.401 ha, nằm trên địa bàn bốn xã Khau Tinh, Sơn Phú, Côn Lôn và Thanh Tương của huyện Nà Hang. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 16.000 ha.
Nằm về phía Đông Bắc, cách trung tâm thị trấn Na Hang khoảng hơn 7 km, KBTTN Tát Kẻ – Bản Bung được ngăn cách và gần như biệt lập với vùng dân cư đông đúc bởi hồ thủy điện Tuyên Quang. Đây có lẽ cũng là một phần lí do giúp cho tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn được gìn giữ.
Tài liệu về Khu bảo tồn cho biết tại đây còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới vẫn còn ở tình trạng nguyên sinh hoặc chỉ thay đổi chút ít bởi sự tác động của con người. Trong đó có khoảng 70% là rừng trên núi đá vôi, nhiều loài thực vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như trai, nghiến, lát hoa, mun, hoàng đàn, thông tre.
Theo số liệu ghi nhận gần nhất, Khu bảo tồn có 90 loài thú, 263 loài chim, 61 loài bò sát và 35 loài ếch nhái. Đây từng là nơi phát hiện loài voọc mũi hếch – loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam – với quần thể lớn.
Có lẽ ở nước ta ít có KBTTN nào còn giữ được những cánh rừng nguyên sinh như ở Tát Kẻ – Bản Bung. Trong những ngày theo chân nhóm kiểm lâm, chúng tôi được mục sở thị những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp xanh tốt đang được các anh trông coi nghiêm ngặt.
Đặc thù rừng ở đây là rừng trên núi đá vôi với nhiều loài cây gỗ quý như trai, đinh, lát hoa, và nhiều nhất vẫn là nghiến, chưa hề có sự xâm phạm của con người. Trên những khu rừng Thâm Bấc, Na Tạc có nhiều loài thực vật quý hiếm như cây bách xanh, kim dao, dẻ tùng sọc trắng…
Tận mắt được chứng kiến những khu rừng nghiến nguyên sinh, cổ thụ thuộc thôn Tát Kẻ, xã Khau Tinh chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm cây nghiến có đường kính 2 – 3m sừng sững ôm lấy những khối đá vôi.
Nếu ngay lúc này được đề xuất với các nhà khoa học, các nhà quản lý, tôi sẽ đề xuất họ mau mau đưa cả khu rừng nghiến này và từng cây nghiến trong ấy vào danh mục cây di sản Việt Nam và đầu tư cho công tác bảo vệ chúng nhiều hơn nữa.
Tôi đã thực sự tìm được cảm giác bình yên khi đứng giữa cánh rừng nguyên sinh này, khác hẳn với cảm giác xót xa trong những chuyến lội rừng Ba Bể, Kim Hỷ và nhiều cánh rừng miền núi phía Bắc khác. Cũng những rừng nghiến quen thuộc ấy, nhưng ở đó chúng bị đốn hạ thẳng tay, nhựa đỏ vẫn còn ứa trên mặt cắt.
Còn nhớ năm trước khi người ta phát hiện ra cây nghiến cổ thụ ở Cao Bằng và công nhận là cây di sản, cây ấy còn thua xa từng cây nghiến ở đây.
Chúng tôi cũng đi qua khu rừng Pá Pàu, Khau Tép nằm tít sâu bên trong, cách khu dân cư rất xa. Dù không được may mắn nhìn thấy voọc mũi hếch nhưng nghe các anh kiểm lâm kể lại chúng vẫn thường tụ tập ở đây. Phải chăng bởi vùng rừng này rậm rạp, có nhiều dây leo để cho chúng vui đùa, lại có cả suối để chúng xuống uống nước?
Nghe các anh kiểm lâm nói lại, người ta đã từng phát hiện ra quần thể voọc đông tới 50 cá thể, nhưng tiếc rằng nay chúng sống tách biệt ở hai khu Tát Kẻ và Bản Bung.
Tôi chợt nghĩ, thật khó phủ nhận đóng góp của công trình thủy điện Tuyên Quang đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở dưới xuôi, nhưng đối với tôi vẫn không thể xóa đi cảm giác vương vấn, tiêng tiếc khi đứng trước rừng già.
Có lẽ chỉ đôi chục năm trước đây thôi, những cánh rừng ấy đã trải rộng mênh mông khắp cả vùng. Ông Nguyễn Thế Đồi, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn chia sẻ, sau khi xây dựng thủy điện Tuyên Quang, diện tích bảo tồn đã bị thu hẹp. Khoảng ba bốn nghìn ha rơi vào vùng lòng hồ thủy điện.
Có hồ chứa, có thủy điện ắt sẽ kéo theo phát triển du lịch, sự có mặt của hàng vạn con người, máy móc, động cơ, mìn nổ.v.v… sao tránh khỏi ảnh hưởng đến Khu bảo tồn, đến cuộc sống vốn ưa tĩnh lặng, bình an của các loài động vật. Sự đánh đổi ấy chẳng thể ai đo đếm để mang lên bàn cân mà khẳng định rằng “chúng ta đã quyết định sáng suốt”.
Chỉ có điều rằng, cũng không ai có thể mãi ngoái nhìn về quá khứ. Phía trước của chúng ta vẫn còn đó, hơn 22 nghìn ha rừng cần được đầu tư bảo vệ. Nếu rừng được bảo vệ tốt, đó cũng đã là một sự tri ân với mai sau, với những con người đang hy sinh quyền lợi riêng của mình để bám trụ với rừng.