PV: Thưa ông, trong các dự án mà VCF tài trợ thường có phần đánh giá về nhu cầu bảo tồn. Ông có nhận xét gì về các nhu cầu bảo tồn đặt ra đối với rừng đặc dụng hiện nay?
Ông Đoàn Bổng: Đối với rừng đặc dụng, hiện chúng ta có mấy vấn đề lớn như sau. Thứ nhất, trình độ nhận thức, hiểu biết của cán bộ làm công tác bảo tồn còn hạn chế. Kiểm lâm là lực lượng đông đảo, được gắn trách nhiệm với bảo tồn rừng đặc dụng, nhưng nhìn chung kiểm lâm mới chỉ đảm trách được công tác bảo vệ, chứ chưa thể nói là bảo tồn được. Để bảo tồn rừng, phải hiểu được tất cả các yếu tố đa dạng sinh học trong khu rừng đặc dụng đó, phải kiểm tra, giám sát và thúc đẩy nó phát triển ổn định.
Thứ hai là số lượng người làm công tác bảo tồn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chẳng hạn như Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh ở tỉnh Quảng Nam có diện tích gần 100.000 ha rừng, theo quy định của nhà nước là mỗi 500 ha có một kiểm lâm viên. Hiện nay Khu bảo tồn có 28 kiểm lâm, mà lẽ ra phải là 200 người. Không chỉ ở Sông Thanh mà còn nhiều khu rừng đặc dụng khác cùng có tình trạng tương tự.
Đó là chưa nói đến thiếu cả về số lượng cán bộ khoa học, những người làm bảo tồn trên phương diện nghiên cứu.
Thứ ba là hạn chế về đầu tư trang thiết bị. Việc xây dựng cơ sở làm việc cho cán bộ bảo tồn thôi thì chưa đủ. Họ phải được hỗ trợ các trang thiết bị, kinh phí phục vụ các hoạt động làm bảo tồn. Làm bảo tồn mà nói rừng của mình có hổ, có voọc nhưng chẳng có bức ảnh nào hay dấu hiệu nào để khẳng định thì ai tin đây.
Thứ tư là sự phối hợp giữa các bên liên quan còn hạn chế, điều này có thể nhận thấy ngay từ chủ trương, cơ chế. Các khu rừng đặc dụng
Bảo tồn rừng đặc dụng là một hợp phần quan trọng của Dự án hỗ trợ và phát triển ngành lâm nghiệp. Mục tiêu của hợp phần này nhằm bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng tầm quốc tế hiện có ở Việt Nam, thông qua xây dựng một cơ chế tài chính thí điểm cho các khu rừng đặc dụng của quốc gia – gọi là Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (viết tắt là VCF). Cơ chế tài chính này sẽ hỗ trợ dựa theo nguyên tắc cạnh tranh cho các khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao và hỗ trợ kỹ thuật cho việc quản lý và bảo tồn rừng đặc dụng. |
được phân thành vùng lõi và vùng đệm. Vùng đệm có chức năng bảo vệ vùng lõi bằng việc chuyển tiếp vùng lõi với vùng sản xuất, dân sinh. Mọi hoạt động ở vùng đệm phải phục vụ cho vùng lõi, nhưng theo quy định vùng đệm không được giao cho ban quản lý rừng đặc dụng mà do chính quyền địa phương toàn quyền quyết định. Nếu chính quyền chỉ lo đến kinh tế địa phương mà không nhận thức được giá trị của rừng, giá trị về tài nguyên đa dạng sinh học và nếu ban quản lý rừng đặc dụng thiếu quan tâm hỗ trợ cho vùng đệm thì rõ ràng vùng đệm sẽ mất đi chức năng “đệm”. Điều này đang diễn ra ở nhiều nơi.
Dân cư sinh sống trong và xung quanh rừng đặc dụng chủ yếu dựa vào rừng. Dân ở đó trước, rừng đặc dụng được quy hoạch sau. Câu hỏi đặt ra là khi quy hoạch rừng đặc dụng, thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn, phải làm gì để đảm bảo cuộc sống của người dân, không thể đơn giản lấy lý do bảo vệ rừng mà chuyển người dân ra khỏi đó hoặc cấm họ vào rừng.
Đây là bất cập về chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi, xảy ra phổ biến đối với cộng đồng dân cư vùng đệm các khu bảo tồn, cũng là điều mà chúng tôi chưa thể thực hiện được nhiều trong pha một của dự án VCF.
Với trường hợp này, cần tăng cường khả năng thực thi pháp luật cho kiểm lâm thông qua các qui định pháp luật nghiêm ngặt hơn hoặc phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn như quân đội, công an v.v…, nhưng không có kinh phí thì làm thế nào?
Vậy nên, để giúp kiểm lâm thực thi pháp luật tốt, ngoài cơ chế, chế tài,tăng cường năng lực, cung cấp trang thiết bị còn cần đầu tư kinh phí. Đó là một trong những hạng mục mà VCF đã hỗ trợ khá nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng đó mới chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời.
Khía cạnh thứ hai liên quan đến câu hỏi “Vì sao lại có tình trạng đó?”. Xét lại thì thấy rằng rõ ràng pháp luật tuy đúng nhưng chưa nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của cộng đồng. Phải chăng chúng ta cần nghiên cứu thêm về khía cạnh này.
PV: Vâng, xin chia sẻ với ông về điều này. Rõ ràng Nhà nước không thể giữ rừng nếu nỗ lực một cách đơn phương. Nếu Nhà nước thiếu quan tâm đến cuộc sống của người dân hoặc không thể thu hút được người dân sinh sống tại các khu rừng đặc dụng tham gia bảo vệ rừng thì chính điều này sẽ là một lực cản, và thậm chí gây áp lực lớn đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Đoàn Bổng: Những người làm việc nhà nước thường áp đặt cái “nhà nước” là cái trên hết, nhưng trong thực tiễn cái “cộng đồng” là cái có trước. Hồi năm 1965, khi ấy tôi còn là thanh niên, tôi lên Tuyên Quang làm việc về quy hoạch khu rừng thí nghiệm, đi cùng GS.TS. Thái Văn Trừng, gặp ông trưởng ty lâm nghiệp tỉnh trao đổi về công việc, ông ấy nói ” Xin báo cáo với các giáo sư, cái dân tộc là cái có trước, lâm nghiệp là cái có sau, không thể để cái có sau đẩy cái có trước đi được. Người dân đã sống ở đó mấy đời, giờ dựng nên khu bảo tồn mà bảo họ không được động đến rừng thì rõ ràng là đã trói tay họ. Cho nên cần tạo ra sinh kế, phải có nguồn vốn để đầu tư cho họ duy trì cuộc sống.”
Tôi lấy ví dụ măng tre trong rừng chẳng hạn, bụi tre nó lên khoảng 6 cây măng thì chỉ khoảng 4 cây lên được thành tre, còn lại nó thối. Nếu ta biết hướng dẫn dân khai thác măng trước khi nó thối thì bụi tre vẫn phát triển mà người dân lại có măng ăn. Có cái nghịch lý thế này, nhiều nơi bảo hái măng không cấm nhưng dân vào lấy măng thì lại phạt, người dân thì lại nghĩ mình không lấy thì nhà khác cũng tìm cách lấy, vậy là bụi có 10 cái măng thì chặt tất cả 10. Thành ra, khi không quản lý, bảo vệ được thì người ta chọn giải pháp là “cấm tất”.
Đối với lâm sản ngoài gỗ, cần vận động và hướng dẫn người dân cụ thể có thể lấy cái gì và lấy như thế nào. Như hiện nay, kiểm lâm bảo vệ rừng chủ yếu chỉ bảo vệ cây thân gỗ thôi. Nhưng mà tài nguyên đa dạng sinh học không chỉ là gỗ, phi gỗ cũng là tài nguyên rất quý giá.
Nếu nhận thức về bảo tồn phải nhận thức một cách toàn diện. Việc đưa người dân ra khỏi khu bảo tồn là giải pháp không khả thi, vừa khó làm, không đủ kinh phí, lại ảnh hưởng đến văn hóa, tự do của người ta. Quan trọng là tạo được sự phối hợp, đồng thuận cùng nhân dân bảo vệ, cái này rất khó nhưng mà làm được thì sẽ rất tốt.
Khoảng những năm 1978, ở Cầu Hai (Phú Thọ) có một khu rừng nghiên cứu bị người dân vào chặt, đốt để lấy củi, làm nương trồng sắn… Chính quyền và cơ quan nghiên cứu điều cả kiểm lâm, công an vào can thiệp, bảo vệ nhưng rừng vẫn bị phá, bắt bớ vi phạm không xuể. Sau này, khi tiến hành giao đất rừng cho người dân quản lý thì rừng không bị phá nữa.
PV: Đóng cửa một phần đối với rừng đặc dụng, hay nói cách khác là nới lỏng quy định nghiêm ngặt về khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng bằng việc cho phép người dân khai thác một cách giới hạn lâm sản và gắn trách nhiệm của họ với rừng. Đó là một tư duy táo bạo được phản ánh thông qua bản dự thảo Quyết định về thí điểm cơ chế chia sẻ trách nhiệm và các nguồn lợi trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét trình Chính phủ. Cũng có nhiều người lo ngại, “rừng đóng cửa nghiêm ngặt còn chẳng bảo vệ được, huống chi nay lại mở cửa rừng”? Ông có bình luận gì về hai luồng quan điểm trái chiều này không?
Ông Đoàn Bổng: Chúng ta phải thống nhất “Thế nào là cơ chế chia sẻ lợi ích?”. Ở đây cần nhấn mạnh lợi ích về tổng thể, nghĩa là quyền lợi phải đi liền với trách nhiệm, làm cho mọi người liên quan đến rừng đặc dụng, được hưởng lợi từ rừng đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ. Và cơ chế cần này được xây dựng một cách cụ thể.
Có ý kiến cho rằng việc xây dựng chơ chế chia sẻ lợi ích và trách nhiệm cần có sự tham gia của cấp thôn, nhưng tôi thấy cấp thôn là chưa đủ, mà phải xây dựng trách nhiệm đến từng hộ gia đình vì đó là tế bào của xã hội. Tế bào đó có khỏe thì xã hội mới mạnh. Cần công khai và cụ thể quyền lợi của các hộ gia đình, cho họ hiểu được rõ ràng họ được phép quản lý đến đâu, được hưởng lợi gì.
Xưa chúng ta có các hương ước của thôn bản, nay cần phục dựng lại. Cùng với đó, kiểm lâm địa bàn phải phối hợp chặt chẽ với tổ tuần tra rừng thôn bản kiểm tra và hướng dân người dân cụ thể và cẩn thận. Nếu làm được từ bên ngoài của vùng lõi thì vùng lõi sâu bên trong sẽ không có ai xâm hại nữa.
Nay, rừng đặc dụng của ta nói là “đóng cửa” nhưng thực chất đóng không nghiêm, rừng vẫn bị phá. Một số chuyên gia nước ngoài tới thăm khu bảo tồn của ta họ bảo “Sao rừng cấm của các ông ai muốn vào cũng được?”. Tôi cho rằng việc lo ngại “rừng đóng cửa còn chẳng bảo vệ được, huống chi nay lại mở cửa rừng” là không đúng. Chúng ta chỉ đóng trên văn bản giấy tờ, còn trong thực tế thì chưa đóng, ai vào cũng được, chặt phá khắp nơi!
Theo quy định, rừng đặc dụng là cấm hoàn toàn, không ai được xâm phạm nhưng kiểm lâm sẽ không thể nào theo sát từng người dân vào lấy cây thuốc, bắt rùa, bắt rắn. Nếu như việc cấm nghiêm ngặt xuất phát từ thực tế khó kiểm soát được công tác bảo tồn thì rất cần thiết. Nhưng trường hợp ta kiểm soát được thì cần phải cân đối để cho nhu cầu của cả con người và thiên nhiên được hài hòa. Nếu thu hút được cộng đồng cùng tham gia bảo vệ thì cửa rừng còn được giữ chặt hơn, mặc dù không dễ.
PV: Vậy còn vấn đề quản lý rừng đặc dụng, ông có chia sẻ gì về việc phân cấp quản lý cho các tỉnh như hiện nay?
Ông Đoàn Bổng: Việc phân cấp quản lý rừng đặc dụng cho các địa phương xuất phát từ kỳ vọng rằng sẽ phát huy được hiệu quả quản lý. Theo cá nhân tôi, tài sản quý hiếm thì nhà nước cần quản lý, tuy nhiên phải tạo ra sự đồng thuận ở địa phương, nếu không sẽ dẫn đến méo mó.
Hệ thống quản lý rừng đặc dụng hiện nay ở ta có tới bốn cấp. Rừng đặc dụng trên địa phận 2 tỉnh trở lên thì trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, một số khác cũng có quy mô và tầm quan trọng không kém thì lại trực thuộc UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp PTNT hay Chi cục kiểm lâm.
Riêng 4 cấp trực thuộc đó đã có 4 chính sách đãi ngộ khác nhau, là vì được hưởng theo cơ chế quản lý sự nghiệp. Tôi cho rằng các yếu tố và tầm quan trọng đa dạng sinh học tương đương nhau thì nên có một cơ chế quản lý như nhau, không nên phân cấp. Vì đã gọi lại rừng đặc dụng nghĩa là rừng của nhà nước. Chúng ta nên xem xét lại.
Xin chân thành cảm ơn ông!