ThienNhien.Net – Chủ trương chuyển đổi cơ cấu đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây lâm, công nghiệp cho thu nhập cao không chỉ giúp Hà Giang nâng độ che phủ rừng mà còn giúp đời sống đồng bào cơ bản được ổn định.
Nhiều năm qua, hàng chục nghìn ha đất rừng nghèo kiệt ở huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên… đã được lần lượt được chuyển sang trồng cao su, keo tai tượng, keo lá tram, mây nếp, măng tre Bát Độ, dó trầm, chè, cam, thảo quả và nhiều loại cây ăn quả khác. Các mô hình không chỉ giúp cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất, chế biến mà còn giải quyết hàng chục nghìn việc làm cho đồng bào, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tham gia các mô hình, bà con các dân tộc đều nhận được hỗ trợ vốn, giống, kĩ thuật, thậm chí cả khâu bao tiêu sản phẩm nên hầu hết đều nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, Hà Giang đã có trên 70.000 ha cây ăn quả, trên 30.000 ha thảo quả, trên 128.000 ha rừng nguyên liệu mây tre đan và nguyên liệu giấy. Đặc biệt, địa phương cũng đã quy hoạch và hình thành vùng chăn nuôi trâu bò đặc sản trên vùng đá, mang lại nguồn thu nhập tương đối cho bà con, đồng thời giúp bảo vệ cơ bản diện tích rừng còn lại.
Riêng tại Bắc Quang, sau hơn 4 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt, 4.157 hộ ở 19 xã trong huyện đã trồng được trên 19.000 ha rừng kinh tế, trong đó 2.058 hộ có diện tích từ 1-3 ha, 226 hộ có diện tích từ 3 ha trở lên. Không ít xã đặc biệt khó khăn cũng chuyển đổi thành công rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế như xã Đông Thành, xã Thượng Bình.
Dù đạt được một số thành công bước đầu nhưng để nâng cao hiệu quả các mô hình, góp phần giữ rừng, Hà Giang cần chú trọng hơn tới việc phát triển các ngành chế biến sản phẩm từ lâm – nông nghiệp, đồng thời quy hoạch rõ ràng từng loại rừng trồng phục vụ mục đích sản xuất các loại sản phẩm riêng biệt.