ThienNhien.Net – Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tính riêng năm 2010, lượng phát thải nhà kính trên toàn thế giới đã gia tăng ở mức kỷ lục, phủ bóng mờ lên niềm hy vọng về việc duy trì sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng an toàn.
Mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt dưới 2oC có nguy cơ “phá sản”
Theo báo cáo, năm 2010 có tới 30,6 tỷ tấn CO2 phát thải vào bầu khí quyển, chủ yếu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, tăng 1,6 tỷ tấn so với năm 2009. Sự gia tăng này đồng nghĩa với việc mục tiêu ngăn nhiệt độ tăng trên 2oC – ngưỡng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nên “biến đổi khí hậu nguy hiểm” theo các nhà khoa học – sẽ là “điều không tưởng”, ông Fatih Birol, nhà kinh tế học hàng đầu của IEA, cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu trên thế giới về phát thải, cho biết.
Thêm nữa, trái ngược với một số dự đoán, đợt khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất toàn cầu trong vòng 80 năm qua thực tế chỉ tác động rất nhỏ tới lượng phát thải.
Quan ngại trước nguy cơ “phá sản” mục tiêu trên, ông Birol phát biểu: “Tôi hết sức lo lắng. Đây quả thực là tin xấu nhất, nó vừa thách thức mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2oC, vừa khiến cho viễn cảnh tương lai trở nên ảm đạm hơn. Nếu các chính phủ không lưu ý đến cảnh báo này thì khó lòng đẩy lùi thảm họa. Còn nếu chúng ta hành động nhanh chóng, dũng cảm và dứt khoát thì ta vẫn có cơ hội thành công”.
Giáo sư Lord Stern thuộc Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE) cũng lên tiếng cảnh báo rằng nếu tình hình vẫn còn tiếp diễn, kết quả sẽ cực kỳ thảm khốc và khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên trên 4oC vào năm 2100 sẽ trở thành hiện thực.
Ông nói thêm: “Hiện tượng Trái đất nóng lên có thể phá hủy cuộc sống và làm đổ “bát cơm” của hàng trăm triệu người trên khắp hành tinh, dẫn đến tình trạng di cư ồ ạt và xung đột gia tăng”.
Trở lại năm 2008 và 2009, do diễn biến của khủng hoảng tài chính nên lượng phát thải từ năng lượng ở các nước đã có chiều hướng giảm (từ 29,3 tỷ tấn xuống còn 29 tỷ tấn), tuy không đáng kể. Trong bối cảnh ấy, người ta dự đoán năm 2010, khi các nền kinh tế đã phục hồi thì phát thải sẽ tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, thực tế lại đối ngược hoàn toàn, con số phát thải năm 2010 đã khiến IEA phải kinh ngạc.
Và IEA tính toán, nếu thế giới muốn tránh khỏi các tác động có hại của hiện tượng nóng lên toàn cầu thì mức phát thải từ năng lượng hàng năm tới năm 2020 không được vượt quá 32 tỷ tấn. Riêng trong năm nay, giả sử lượng phát thải tăng ngang bằng năm 2010 thì giới hạn này sẽ bị vượt quá trước 9 năm và như vậy chúng ta không thể duy trì sự nóng lên ở mức độ có thể kiểm soát được.
“Thời gian không còn nhiều nữa mà các chính trị gia ở các nước lớn vẫn ra sức tìm kiếm, khai thác những kho nhiên liệu hóa thạch cuối cùng còn lại trên thế giới – ngay cả dưới lớp băng đang tan chảy ở Bắc cực”, John Sauven, Giám đốc điều hành tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) tại Anh quốc, bình luận.
Tình hình còn có thể xấu hơn
Cũng theo lời ông John Sauven, rõ ràng dữ liệu phát thải đã hết sức đáng buồn, song hiện tại vẫn còn nhiều nhân tố khác khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Trước hết, khoảng 80% nhà máy điện có thể đi vào vận hành năm 2020 đã xây dựng xong hoặc đang trong quá trình thi công. Đa phần trong số đó là các nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, vì thế chắc chắn chúng sẽ tiếp tục thải các-bon ra ngoài môi trường.
Một nhân tố khác có thể khiến phát thải tiếp tục tăng là cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp điện hạt nhân. Theo sau thảm họa sóng thần ở Fukushima, Nhật Bản và Đức đã kêu gọi ngừng các chương trình lò phản ứng và nhiều nước khác đang xem xét lại vấn đề điện hạt nhân.
Bàn về điều này, ông Birol cho hay: “Có lẽ loài người không ưa hạt nhân, nhưng nó lại là một trong những công nghệ chính để phát điện mà không phát thải CO2”. Trong khi đó, năng lượng tái tạo không thể là giải pháp lấp đầy khoảng trống mà năng lượng hạt nhân để lại. Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ còn gia tăng.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán về một hiệp ước toàn cầu mới về biến đổi khí hậu do Liên Hợp quốc chủ trì vẫn chưa ngã ngũ. “Tầm quan trọng của biến đổi khí hậu trong các cuộc tranh luận về chính sách quốc tế đang ngày càng giảm sút so với trước đây”, Birol khẳng định.
Ông cũng thúc giục các chính phủ nhanh chóng hành động và cho rằng “cơ hội duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2oC sẽ chỉ xuất hiện khi chúng ta có một hiệp định quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý hoặc những thay đổi lớn trong công nghệ năng lượng sạch, hiệu suất năng lượng và các loại hình công nghệ khác”.