ThienNhien.Net – Mọi hiềm khích, ân oán, hận thù lẫn những khúc mắc, ấm ức… sẽ được hóa giải hoàn toàn tại Rừng Cấm, hay còn gọi là Rừng “cãi”.
Cãi hết, nói hết, nói thẳng ra cho đến khi nhận ra đúng sai… vốn là “tập tục” độc đáo của người La Chí ở Hà Giang và tập tục này chỉ được thực hiện tại Rừng “cãi”.
Xưa kia, người ta chỉ vào Rừng “cãi” một lần, vào một ngày, ngày mà thầy cúng, thầy tạo hay già làng xin với thần linh cho đó là ngày tốt. Nay thì hễ có điều gì khúc mắc là họ lại đưa nhau vào Rừng để… cãi.
Thường thì trước dịp Tết Nguyên đán, thầy cúng, thầy mo hay thầy tạo sẽ cúng xin ngày tốt, giờ tốt rồi báo cho dân biết mà chuẩn bị. Đến ngày đã định, mọi nhà, mọi người nếu có hiềm khích, oán thù, mâu thuẫn… muốn được phân xử thì chuẩn bị cỗ bàn tươm tất để làm lễ trong Rừng “cãi”.
Buổi cãi có thể diễn ra trước sự chứng kiến của thần linh, trưởng bản và dân làng, cũng có khi chỉ rầm rì, nhẹ nhàng như trò chuyện tâm tình để giải tỏa hết những điều chưa vừa ý về nhau.
Kết thúc chầu “cãi”, già làng, thầy cúng và những người có uy tín trong bản sẽ ngồi lại phân tích, tìm ra cái đúng sai để hai bên hiểu và quý nhau hơn. Sau cùng, tất cả dân làng sẽ cùng ngồi tụ họp và ăn một bữa cơm ấm cúng, đoàn kết.
Tập tục ý nghĩa này đến nay vẫn được người La Chí ở Bản Pắng, Bản Phùng, Bản Díu thuộc huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang gìn giữ. Về hình thức thì Rừng “cãi” ở đây cũng không khác so với Rừng Ma của người Thái ở Tây Bắc hay Rừng Cấm của người Mông, người Tày và nhiều dân tộc khác nữa. Các khu rừng tuy khác nhau về tên gọi nhưng đều có những điểm chung nhất định: đều là nơi dành cho những linh hồn đã khuất, đều linh thiêng, đều được đặt ở những địa thế đắc địa, hạn chế thậm chí cấm hẳn mọi hoạt động thường ngày…
Rừng “cãi” tựa như một nơi rửa sạch tâm linh hàng năm của tộc người La Chí và cũng là nơi phán xét cao nhất của bản làng nhưng không hề thuộc về một thế lực uy quyền nào mà chỉ bênh vực lẽ phải. Nét văn hóa đẹp ấy không chỉ giúp con người sống thuận hòa mà còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếc là nhiều năm trở lại đây, do sự quần cư đan xen nên không ít khu Rừng “cãi” đã bị mất đi hoặc biến dạng nhiều, tính chất cũng khác xưa, thường chỉ còn là nơi thờ thần và tiễn đưa người về cõi vĩnh hằng.