ThienNhien.Net – Dân số tăng lên, áp lực về lương thực đòi hỏi nông nghiệp phải được phát triển theo hướng mở rộng. Khi đó, mối xung đột tiềm ẩn vốn có lâu nay giữa nông nghiệp và bảo tồn lại có dịp phát lộ. Song người ta không thể đáp ứng nhu cầu lương thực bằng cách phá đi những cánh rừng để trồng ngũ cốc. Sự xung đột giữa nông nghiệp và bảo tồn cần phải nhanh chóng thay đổi.
Áp lực với nông nghiệp khi dân số bùng nổ
Hiện trên thế giới vẫn còn hàng tỷ người đang phải sống trong tình trạng đói nghèo triền miên, nhất là ở khu vực châu Phi. Tới năm 2050, dân số toàn cầu dự đoán sẽ tăng từ 6,9 tỷ lên khoảng 8 – 9,7 tỷ người. Nhu cầu về ngũ cốc, dầu và đường cũng có khả năng cao gấp đôi khi mà loài người tiêu thụ ngày càng nhiều thịt và dưỡng chất trong khi các chính phủ thì tích cực thiết lập các mục tiêu về nhiên liệu sinh học. Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành nông nghiệp để vừa giải quyết được tình trạng nghèo đói, vừa đáp ứng nhu cầu của con người trong hiện tại và cả tương lai.
Không thể phủ nhận rằng mục tiêu gia tăng sản lượng nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của lượng dân số khổng lồ trên toàn thế giới đang là cả một thách thức. Nếu trong giai đoạn bùng nổ cuộc cách mạng xanh suốt thập niên 1960, người ta dễ dàng đạt sản lượng vượt trội nhờ lượng phân bón lớn và nguồn tài nguyên nước dồi dào thì nay, sản lượng càng cao, càng yêu cầu phải mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Ước tính diện tích đất cần tăng thêm từ năm 2000 đến năm 2050 sẽ là từ 6 triệu lên 17 triệu km2, lớn hơn cả diện tích của nước Nga.
Tuy nhiên, sự mở rộng đất nông nghiệp và yêu cầu về nước và phân bón sẽ đặt áp lực lớn hơn lên đa dạng sinh học, gia tăng lượng khí thải nhà kính và có thể sẽ đưa con người đến gần hơn điểm giới hạn sinh thái (tipping point). Do đó, chúng ta buộc phải nghĩ đến những giải pháp thật sự thiết thực và khả thi, đó là: hài hòa giữa nông nghiệp và bảo tồn.
Nông nghiệp mới – giải pháp hài hòa nông nghiệp và bảo tồn
Điều cần thiết trước nhất để tiến tới mối quan hệ hài hòa này chính là một “nền nông nghiệp mới”. Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho rằng muốn nông nghiệp đáp ứng nhu cầu tương lai một cách bền vững thì các dịch vụ hệ sinh thái như khả năng trữ nước, thụ phấn cho cây trồng và duy trì độ màu mỡ của đất… phải được cải thiện.
Tuy nhiên, hiện tại, chi phí của những dịch vụ này không được lồng ghép vào giá nông sản. Kết quả là người nông dân không được hưởng lợi cho hành động tích cực vì thế hệ sản xuất kế cận, trong khi đó, sản xuất lương thực và quá trình phân phối lại thường gây hại đến môi trường.
Do vậy, việc cần làm là tìm cách định giá toàn bộ các dịch vụ hệ sinh thái và vận hành hệ thống chi trả, kiểm định để khuyến khích tăng diện tích đất được quản lý bền vững, chẳng hạn như đưa ra các sáng kiến về lưu trữ các-bon hay các dịch vụ dẫn nước. Chi phí môi trường trong quá trình sản xuất cũng phải được đưa vào giá hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, nông nghiệp không phải ngành duy nhất cần thay đổi. Trước thực trạng hoạt động nông nghiệp ảnh hưởng tiêu cực tới sự đa dạng của loài, các nhà bảo tồn đã nỗ lực thành lập nhiều khu dự trữ sinh quyển và khu bảo tồn. Tuy nhiên, những phân tích gần đây lại chỉ ra rằng điều đó chưa đủ để bảo vệ tất cả những loài bị đe dọa. Thêm nữa, việc lập khu bảo tồn thường phải huy động vốn từ người dân địa phương, điều này gây tranh cãi rất nhiều về phương diện kinh tế và xã hội.
Chính vì thế, các nhà bảo tồn cần mở rộng tầm nhìn và làm việc với người nông dân, các nhà nông học cũng như các xí nghiệp thực phẩm để hỗ trợ tiến trình hợp nhất đa dạng sinh học với ngành nông nghiệp.
Xét cho cùng, cơ hội để khôi phục và duy trì một hành tinh đầy sức sống, nơi trên 8 tỷ người có thể sinh sống và phát triển, sẽ chỉ đến khi các nhà nông học và nhà bảo tồn dung hòa những khác biệt của mình.
Tháng 12/2010, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã thiết lập Diễn đàn Chính sách Khoa học Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Các dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), nơi hợp nhất các kiến thức về nông nghiệp và bảo tồn để đưa vào các chính sách. Diễn đàn này đã thực hiện dự án nghiên cứu mang tầm quốc tế “Kinh tế học về Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học (The Economics of Ecosystems and Biodiversity – TEEB), nhấn mạnh lợi ích kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái và đánh giá những tổn thất khi tính đa dạng sinh học bị mất đi và hệ sinh thái bị xuống cấp. Nhờ công trình này, giá trị hàng tỷ tỷ đô la trong nguồn tài sản tự nhiên của thế giới đã trở nên rõ ràng.
Ngày 28-29/06/2011, tại Hà Nội, Hội thảo Khu vực Đông Nam Á về TEEB và Kinh tế xanh: Từ lý thuyết tới thực tiễn sẽ được Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP). Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu những khái niệm chính, các yếu tố và chiến lược trong cách tiếp cận TEEB, trao đổi kinh nghiệm từ các sáng kiến hiện có về đánh giá khía cạnh kinh tế của đa dạng sinh học và hệ sinh thái ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời xác định hướng đi cho việc hợp nhất các dịch vụ đa dạng sinh học và hệ sinh thái vào quy hoạch phát triển tại các nước ASEAN. |