ThienNhien.Net – Các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đã thừa nhận tình trạng gia tăng các căn bệnh do lối sống hay còn gọi là các bệnh không lây nhiễm (NCD) ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, họ cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau nỗ lực để giải quyết tình trạng này.
Nguy cơ chết người từ “căn bệnh lối sống”
Trở lại thời điểm năm 2008, trong số 57 triệu ca tử vong trên toàn cầu có tới 36 triệu ca (chiếm gần 2/3) là do NCD. Đây quả là những con số ảm đạm. NCD, chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường và bệnh phổi mãn tính, hiện gia tăng nhanh nhất ở các quốc gia, các nhóm dân cư và các cộng đồng có thu nhập trung bình và thấp.
Quan ngại trước tình trạng trên, bà Jessica Brinton, một đại diện đến từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) tại Washington lên tiếng: “Rõ ràng NCD không còn là vấn đề của riêng các nước giàu nữa. Dù có áp dụng phương thức đánh giá nào thì gánh nặng từ NCD – chiếm 80% lượng ca tử vong ở các nước đang phát triển – vẫn lớn hơn gánh nặng từ các căn bệnh lây nhiễm”.
Và “các chính trị gia cũng như các chuyên gia y tế cũng phải thừa nhận gánh nặng ấy đang tăng lên từng ngày”, ông Jeffrey L. Sturchio, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Sức khỏe Toàn cầu (GHC), liên minh các tổ chức y tế lớn nhất thế giới, phát biểu.
Chính phủ và các bên liên quan phải vào cuộc
Theo ông Ala Alwan, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời là thành viên của Nhóm chuyên nghiên cứu về Sức khỏe Tinh thần và Bệnh Không lây nhiễm: “Chi phí dành cho các hoạt động phát triển, kinh tế – xã hội và y tế vô cùng lớn. Có tới hơn 90 triệu người đã tử vong trước tuổi 60 trong khi phí khám, chữa bệnh lại tăng một cách chóng mặt. Đã đến lúc chúng ta phải hành động”.
Trên thực tế, cuộc chiến chống NCD mà tập trung chủ yếu vào bốn nhóm nguy cơ – sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn độc hại, lười vận động và chế độ dinh dưỡng nghèo nàn – chưa bao giờ được quan tâm như lúc này bởi rõ ràng, ảnh hưởng của nó tới kinh tế – xã hội và hệ thống y tế, nhất là ở các quốc gia đang phát triển luôn phải vật lộn với đói nghèo, đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với dịch vụ y tế công ở thế kỷ XXI.
Để giảm lượng tử vong vì “căn bệnh lối sống”, người ta đưa ra một loạt các công cụ chính sách đã được kiểm chứng tính hiệu quả nhằm ngăn chặn người dân tiếp xúc với các nguy cơ dẫn đến NCD. Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá cũng cung cấp một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tác hại liên quan tới thuốc lá, bao gồm chính sách thuế, luật môi trường không khói thuốc, các cảnh báo về sức khỏe và hoạt động quảng cáo. Ngoài ra, một số chiến lược khác được khuyến cáo có thể góp phần ngăn chặn NCD như giảm lượng muối ăn để hạ huyết áp và đánh thuế các loại rượu…
Tuy nhiên, “nếu chỉ có chính phủ thì không thể giải quyết những thách thức và gánh nặng này”, bà Evgeniya Alexeeva, Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế công và Phát triển Xã hội tại Moscow, cho biết.
Đồng quan điểm với bà Alexeeva, ông Sturchio nhấn mạnh các chính phủ sẽ là đối tác quan trọng – cùng các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác – hợp tác trong cuộc chiến chống NCD. Và muốn làm được điều đó, trước hết phía chính phủ cần xây dựng chiến lược, chính sách quốc gia phù hợp trong việc hợp nhất các hướng tiếp cận nhằm phòng ngừa, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, xây dựng mục tiêu quốc gia, mục tiêu toàn cầu ứng phó với NCD, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho hoạt động điều phối ở các cấp.
Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu về Lối sống lành mạnh và Kiểm soát Các bệnh Không lây nhiễm lần thứ nhất do WHO phối hợp với Nga chủ trì đã diễn ra trong tháng 4 vừa qua, với mục tiêu chuẩn bị cho hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về phòng chống và kiểm soát NCD dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới.
Báo cáo của Hội nghị về thực trạng NCD toàn cầu đã tạo cơ sở cho việc theo dõi các xu hướng diễn tiến trong tương lai và đánh giá những tiến bộ mà các nước đạt được trong quá trình nỗ lực kiểm soát các loại bệnh này. Bản báo cáo cũng là nền tảng kêu gọi hành động thông qua việc cung cấp kiến thức cho các cộng đồng trên thế giới; đưa ra những khuyến nghị và hướng dẫn lãnh đạo các quốc gia ngăn chặn một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với sức khỏe con người, sự phát triển cũng như các nỗ lực giảm nghèo. |