Trung Quốc đối mặt với đợt hạn hán lịch sử

ThienNhien.Net – Trung Quốc đang rơi vào đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, giao thông đường thủy và hoạt động sản xuất điện, nhất là ở các tỉnh phía nam của đất nước này.

Đợt hạn hán lịch sử ở Trung Quốc trong vòng hơn 50 năm qua (Ảnh: Poleshift.ning.com)

Lượng mưa ở Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang đang ở mức thấp kỷ lục. “Sự khan hiếm nước trên diện rộng tại miền nam Trung Quốc rất đáng báo động và phạm vi ảnh hưởng đã lớn hơn trước đây rất nhiều”, ông Zhang Ximing, một chuyên gia về nguồn nước của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết.

Đặc biệt, theo nguồn tin từ WB, mật độ nước trên đầu người ở Trung Quốc hiện chỉ bằng ¼ mật độ trung bình trên thế giới và ở ngưỡng thấp nhất trong số tất cả các nền kinh tế lớn.

Quan ngại trước tình trạng trên, nhà hoạt động môi trường, kiêm tác giả của cuốn sách “Cuộc khủng hoảng nước của Trung Quốc” (China’s Water Crisis), ông Ma Jun, lên tiếng: “Một hồi chuông cảnh báo đã thực sự rung lên khi chính sông Dương Tử đang phải đối mặt với hạn hán”. Rất nhiều làng đã không còn nước sinh hoạt, hệ thống hồ quanh vùng trung lưu sông Dương Tử trở nên khô cạn. Ngay cả thủy điện cũng kêu cứu vì hạn hán. Thậm chí, mực nước ở đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, đã xuống dưới 156m. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thiếu điện trầm trọng trong mùa hè này.”

Hiện Chính phủ Trung Quốc đang hết sức nỗ lực áp dụng các giải pháp nhằm ứng phó với đợt hạn hán lịch sử, bao gồm cả hoạt động xả nước từ đập Tam Hiệp, làm mưa nhân tạo… và có thể sẽ không loại trừ giải pháp tăng thuế nước ở các cộng động dân cư.