ThienNhien.Net – Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh phải ký quỹ dự phòng để bảo đảm xử lý vệ sinh, môi trường và hàng tồn đọng quá hạn không tái xuất được.
Đây là thông tin quan trọng tại Thông tư 21/2011/TT-BCT được Bộ Công Thương ban hành nhằm tăng cường quản lý các hoạt động tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh.
Theo đó, để bảo đảm xử lý vệ sinh, môi trường và hàng tồn đọng quá hạn không tái xuất được, thương nhân phải duy trì một khoản tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh nơi thương nhân đặt kho, bãi. Thương nhân sẽ được hưởng lãi suất trên khoản tiền ký quỹ theo quy định của Kho bạc.
Theo quy định này, thương nhân có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí để xử lý, làm sạch môi trường và tiêu hủy hàng hóa tạm nhập tái xuất tồn đọng quá thời hạn quy định. Trong trường hợp thương nhân không thực hiện thanh toán các chi phí theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tiền ký quỹ dự phòng của thương nhân sẽ được sử dụng vào những việc kể trên.
Sau khi đã trả các chi phí theo quy định, thương nhân sẽ được hoàn trả lại toàn bộ số tiền ký quỹ hoặc một phần số tiền ký quỹ trong các trường hợp: Không được cấp mã số tạm nhập tái xuất; không tiếp tục hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất; bị thu hồi mã số tạm nhập tái xuất đã được cấp.
Điều tiết lượng hàng tạm nhập
Cũng theo Thông tư, để tránh hiện tượng ách tắc tại cảng, cửa khẩu và bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, thương nhân phải thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền tiết giảm tiến độ tạm nhập hàng hóa hoặc tạm ngừng đưa hàng hóa về Việt Nam để điều tiết lượng hàng tạm nhập về cảng, cửa khẩu Việt Nam.
Nếu thương nhân tạm nhập thực phẩm đông lạnh mà sau 45 ngày chưa tái xuất được thì cơ quan Hải quan sẽ không làm thủ tục tạm nhập cho lô hàng thực phẩm đông lạnh tiếp theo của thương nhân đó và thông báo cho Bộ Công Thương biết để tiến hành điều tiết theo quy định.
Thông tư có hiệu lực từ 03/7/2011, không áp dụng đối với phủ tạng gia súc, gia cầm đông lạnh.