ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm phát triển bền vững kinh tế – xã hội, giảm nghèo và phòng, chống thiên tai tại 32 xã vùng bãi ngang, cồn bãi, tỉnh Quảng Bình giai đoạn từ năm 2011 – 2015 (Đề án) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.300 tỷ đồng.
32 xã trong Đề án gồm: 10 xã thuộc huyện Lệ Thủy; 3 xã thuộc huyện Quảng Ninh; 5 xã thuộc huyện Bố Trạch; 12 xã thuộc huyện Quảng Trạch và 2 xã thuộc huyện Tuyên Hóa.
Đề án đặt mục tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 85%, có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn trên 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Phấn đấu đến 2015 thu nhập bình quân của người dân tại 32 xã vùng bãi ngang, cồn bãi của tỉnh Quảng Bình đạt trên 12 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%.
Bên cạnh đó, phát triển rừng phòng hộ ven biển kết hợp với rừng kinh tế để nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 70% và tăng thu nhập cho người trồng, bảo vệ rừng; chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 1.200 hộ dân sẽ được bố trí tái định cư
Đề án sẽ triển khai xây dựng quy hoạch các xã phù hợp với tiêu chí nông thôn mới; thực hiện Quy hoạch sắp xếp, bố trí cho khoảng 1.200 hộ dân đang sinh sống ở những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bão lũ, những nơi có nguy cơ cao sạt lở đất thành các điểm tái định cư sớm ổn định đời sống. Đồng thời, thực hiện di dân theo mô hình tái định cư xen ghép cho trên 1.000 hộ dân đang ở những nơi có mật độ dân cư cao bị thiếu đất và thiếu nước sản xuất.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ lựa chọn những công trình quan trọng về giao thông, thủy lợi trên địa bàn ưu tiên đầu tư trước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và sinh hoạt của nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc bê tông hóa kênh mương, kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn.
Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình điểm về phát triển thủy sản biển, sản xuất nông nghiệp; mô hình kinh tế sinh thái; thực hiện hỗ trợ chuyển đổi khoảng 3.500 ha đất ao, hồ, sông, suối để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển các dịch vụ tại chỗ; hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác kinh tế ven biển cho khoảng 2.000 hộ.
Ngoài ra, đào tạo nghề cho khoảng 4.000 người lao động, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp thôn, xã, cán bộ quản lý dự án về kiến thức tổ chức, quản lý, sản xuất, kinh doanh.