Kỳ 3: Vẫn là cây mũi nhọn
ThienNhien.Net – Mặc dù thiệt hại lớn sau trận rét 2010-2011 nhưng Công ty CP cao su Hà Giang và lãnh đạo tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện chương trình 1 vạn héc ta cao su. Ông Phó giám đốc Công ty CP cao su Hà Giang khẳng định: “Chúng tôi sẽ quyết tâm khẳng định vị thế của cây cao su ở Hà Giang”.
Ai lãnh rủi ro?
Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch phát triển cây cao su trong thời gian tới, cả lãnh đạo Tỉnh, Sở NN&PTNT và Phó giám đốc Công ty Cp cao su Hà Giang đều khẳng định quyết tâm phát triển cây cao su đến cùng. Họ đưa ra lập luận rằng, từ bài học “đắt giá” vừa qua càng thôi thúc họ khẳng định bằng được “vị thế” của cây cao su ngay tại xứ lạnh này.
Cũng cần nói thêm rằng, việc quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng có những lý do nhất định. Ngay “sát vách” Hà Giang, tỉnh Vân Nam của nước bạn cũng trồng cao su. Khí hậu không khác nhiều, vậy mà cao su của họ vẫn phát triển và cho lượng mủ tốt. Nhưng đó mới là nói về khí hậu, còn giống má, con người và vô vàn những yếu tố khác nữa, so sánh không đầy đủ khéo lại thành khập khiễng.
Một điều không thể phủ nhận là từ khi dự án cao su được triển khai, nhờ có tiền đền bù do góp đất mà nhiều hộ gia đình đã xây mới, hoặc sửa sang lại được nhà cửa, mua sắm được cái ti vi, xe máy… và một số người được nhận vào làm công nhân, đã mang lại được thu nhập cho gia đình. Nhưng cùng với đó, hàng nghìn héc ta cây ăn quả, cây trám, keo cũng đã bị xóa sổ để nhường đất cho cây cao su.
Xét về lâu dài, người dân tham gia dự án với việc nhận một cục tiền vài chục triệu, có thể có công ăn việc làm, có thể được canh tác đôi ba năm đầu nếu nhà gần vườn cao su và có thể được chia cổ tức (rất nhỏ) sau 6 năm và không được phép đòi lại đất trong vòng 26 năm. Phần còn lại của những điều “có thể” kia chính là sự bấp bênh mà người dân sẽ phải đối mặt.
Trao đổi với chúng tôi, xung quanh việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, việc làm cho người dân khi họ đã góp hết đất trồng cao su, ông Hoàng Nhị Sơn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết: “Không biết sau này có bổ sung không, nhưng theo kế hoạch ban đầu thì chưa có “mục” hỗ trợ người dân về chuyển đổi ngành nghề, việc làm”.
Lo lắng về vấn đề này, ông Đinh Văn Minh – Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho rằng: “Nếu cây cao su phát triển tốt theo đúng dự kiến, thì mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhưng, dù sao đi chăng nữa phải gần chục năm nữa mới đánh giá được hiệu quả, nên trong thời gian chờ đợi, chúng tôi rất mong muốn Công ty cao su phối hợp với huyện hỗ trợ bà con chuyển đổi ngành nghề, việc làm”.
Anh Hứa Văn Chung, thôn Cốc Héc, xã Trung Thành (Vị Xuyên) góp 6 héc ta trồng cao su, trong đó 2 héc ta là trồng keo, còn lại là rừng tái sinh, khoanh nuôi. Nhận được gần 20 triệu đồng tiền hỗ trợ, anh vừa sửa lại cái nhà và mua được xe máy để đi lại. “Nếu Công ty cao su làm đường, xây nhà trẻ và trạm y tế cho xã thì mừng quá, nhưng mình cũng mới nghe vậy thôi chứ đã thấy gì đâu!” – anh Chung cho biết.
Anh Ma Xuân Hội, một hộ dân thôn Me Thượng, xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang có 10 héc ta vườn rừng, nay đã góp toàn bộ, chỉ còn hơn 2 sào ruộng. Sau khi cao su chết hàng loạt, anh đâm lo: “Giờ thì được ăn cả, ngã về không chứ biết làm thế nào. Mình có tuổi rồi, nên chỉ được nhận làm công theo thời vụ, chắc hết vụ mình phải ra huyện xem có việc gì làm thuê thôi… ” – anh Hội bùi ngùi nói.
Cầm đèn chạy trước… quy hoạch
Việc Nhà nước quy hoạch phát triển cây cao su ở khu vực Tây Bắc mà chưa đưa vào vùng Đông Bắc, theo như Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển cao su cả nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, hẳn dựa trên những cơ sở phân tích nhất định về đất đai, địa hình, khí hậu và con người. Chỉ nói riêng về khí hậu, vùng Đông Bắc vốn có những bất lợi hơn so với Tây Bắc đối với việc trồng cao su.
Tài liệu nghiên cứu về Tài nguyên và xu thế diễn biến khí hậu ở các vùng lãnh thổ Việt Nam do TSKH. Nguyễn Duy Chinh và KS. Trương Đức Trí thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường thực hiện có nêu: “Khí hậu vùng Tây Bắc ít chịu ảnh hưởng của gió mùa cực đới, cho nên mùa đông lạnh ở đây ngắn và ổn định hơn so với các vùng phía đông Hoàng Liên Sơn.” Kết quả thực tế về tỉ lệ cao su chết trong năm qua cũng đã phản ánh rõ cái lý của việc lựa chọn này.
Tại hội nghị “Đánh giá tình hình phát triển cao su ở miền núi phía Bắc thời gian qua và giải pháp phát triển thời gian tới” do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, chỉ diễn ra trước cuộc họp cổ đông bất thường của Tập đoàn Cao su Việt Nam có 1 tuần, các nhà quản lý cho biết bình quân diện tích cao su bị hại ở 3 tỉnh Tây Bắc (trong quy hoạch phát triển cây cao su) gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sau mùa rét vừa qua là khoảng 5,1%, còn tại 4 tỉnh vùng Đông Bắc mức độ thiệt hại là khá cao, tới 80,7%.
Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến nghị: “Hiện tại vùng Đông Bắc chưa chính thức được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch cao su cả nước, do đó trước mắt các địa phương trong vùng chỉ nên phát triển ở quy mô thử nghiệm để rút kinh nghiệm mở rộng khi được Thủ tướng Chính phủ chính phê duyệt quy hoạch bổ sung.”
Dựa trên bản báo cáo và đề xuất của Bộ Nông nghiệp, ngày 04 tháng 5 năm 2011, Văn phòng Chính phủ ra công văn số 2788/VPCP-KTN, trong đó thêm một lần “nhắc nhở” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện phát triển cao su theo đúng quy định tại Quyết định số 750/QĐ-TTg.
Định hướng quy hoạch phát triển cao su các vùng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020:
a) Vùng Đông Nam Bộ: tiếp tục trồng mới 25 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và chuyển đổi đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo phù hợp với cao su, để ổn định diện tích 390 nghìn ha cao su; b) Vùng Tây Nguyên: tiếp tục trồng mới khoảng 95 – 100 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng, chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su, để ổn định diện tích 280 nghìn ha; c) Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ: tiếp tục trồng mới 10 – 15 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su, để ổn định diện tích 40 nghìn ha; d) Vùng Bắc Trung Bộ: tiếp tục trồng mới khoảng 20 nghìn ha, chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp, để ổn định diện tích 80 nghìn ha; đ) Các tỉnh vùng Tây Bắc: không phát triển theo phong trào, có bước đi phù hợp. Trên cơ sở quỹ đất và kết quả đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện, để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha. (Trích Quyết định Số: 750/QĐ-TTg ban hành ngày 03/06/2009 Phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020) |