Kỳ 2: Cao su “chết trắng” vì không hợp khí hậu
ThienNhien.Net – Có thể hiểu được kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh Hà Giang đối với cây cao su bởi với một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn như Hà Giang, việc tìm ra một cây công nghiệp chủ đạo cho địa phương và góp phần giảm nghèo cho bà con có ý nghĩa vô cùng lớn. Nhưng điều đó không thể là lý do để giải thích cho sự chuyển đổi vội vã cây trồng sang cao su vừa qua. Sau mùa rét 2010 – 2011, Hà Giang là tỉnh có tỉ lệ diện tích cao su chết cao nhất trong 7 tỉnh miền núi phía Bắc trồng cao su.
Chạy tiến độ
Cuối năm 2008, Công ty CP cao su Hà Giang được thành lập, 80% vốn điều lệ do Tổng công ty cao su Việt Nam đóng góp. Phần còn lại do Công ty cao su Lộc Ninh và Công ty CP cao su Hà Giang tham gia. Đây là đơn vị bao trọn toàn bộ chương trình 10.000 ha cao su tại Hà Giang.
Nếu bám sát Nghị quyết của tỉnh, năm 2015 cần đạt được 10.000ha cao su thì trung bình mỗi năm Công ty phải trồng mới được 1.500 ha cao su. Ngay sau khi trồng thử nghiệm chưa đầy 1 năm, UBND tỉnh Hà Giang và Công ty CP cao su Hà Giang đã tiến hành trồng đại trà cả nghìn héc ta.
Trao đổi với chúng tôi về sự vội vã nhân rộng cao su tại Hà Giang chỉ sau một thời gian thử nghiệm rất ngắn, ông Nguyễn Trọng Chu – Phó giám đốc Công ty CP cao su Hà Giang giải thích rằng nguyên nhân chính là áp lực thời gian, nếu không đẩy mạnh như vậy thì không thể kịp được tiến độ của dự án.
Ông Chu cho biết Công ty cũng gặp không ít khó khăn, khó khăn về nguồn nhân lực (hiện nhân sự Công ty có khoảng 240 người, trong đó 40 cán bộ), nên không thể chủ động trồng theo đúng mùa vụ được. Vì vậy, vào mùa nông nhàn thuê được người dân tham gia là phải cấp tập trồng ngay.
Khó khăn khác nữa là do cây cao su là cây trồng hoàn toàn mới lạ, nên người dân chưa có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây. Trong 6 giống được trồng đại trà, chỉ có một giống chịu lạnh tốt, hai giống chịu lạnh trung bình, còn lại là các giống chịu lạnh kém. Các nguyên nhân này cộng hưởng nhau, khi gặp rét đậm, rét hại cuối năm 2010, đầu năm 2011 vừa qua khiến cao su chết hàng loạt.
Cây “vàng trắng” chết trắng
Chưa đầy 1 năm sau khi trồng thử nghiệm, cây cao su ở Hà Giang được kết luận rằng: “Rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng” của địa phương. Ông Chu nhận định, cây cao su ở đây phát triển không kém gì cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc khác. Thậm chí, so về chiều cao, chúng còn “nhỉnh” hơn một chút so với cây cao su cùng năm tuổi ở Điện Biên, Sơn La…
Ấy vậy, chỉ qua một đợt rét nữa, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã phải triệu tập ngay cuộc họp hội đồng cổ đông bất thường các công ty khu vực miền núi phía bắc vào cuối tháng 3 vừa qua để rà soát thiệt hại và việc thực hiện các dự án trồng cao su . Tại cuộc họp này, đại diện của Công ty CP Cao su Hà Giang cho biết 1.159 ha cao su (97% diện tích) đã trồng tại Hà Giang bị ảnh hưởng, biểu hiện lâm sàng là khô và xì mủ. Trong đó có 883 ha (76% diện tích) bị chết trên 2/3 số cây và 235 ha bị chết từ 40% đến 70% số cây.
Anh Phan Khắc Định, cán bộ kỹ thuật đội sản xuất số 1, xã Vô Điếm (Bắc Quang) cho biết mặc dù đội đã tiến hành các biện pháp chống rét như quét vôi, tủ gốc, cắt bớt cành, thậm chí cắt sát mắt ghép để hạn chế cây khô mủ, nhưng vẫn không cứu được cao su.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, tổng giá trị thiệt hại nông nghiệp do rét đậm rét hại của tỉnh Hà Giang trong vụ đông vừa qua là hơn 82 tỷ đồng, riêng thiệt hại về cây cao su là 40 tỷ.
Sự việc cao su chết hàng loạt đã làm cho các hộ dân đã góp đất rất hoang mang. Nhiều người có ý định đòi lại đất, một phần vì họ không thực sự tin tưởng dự án cao su này sẽ thành công, phần họ lo góp đất với Công ty sau này họ sẽ không đòi lại được. Ông Lù Sài Cương, thôn Cốc Héc, xã Trung Thành (Vị Xuyên) lo lắng: “Cứ đà này thì có khi mất cả rừng lẫn đất. Nếu cao su mà chết một lần nữa, chúng tôi sẽ lấy lại đất để trồng ngô, sắn, cây ăn quả thôi! Trồng cây này chắc không được ăn rồi”.