Kỳ 1: Đưa cây “xứ nóng” về trồng… “xứ lạnh”
ThienNhien.Net – Mặc dù không nằm trong quy hoạch phát triển cây cao su của cả nước đến năm 2015, tầm nhìn 2020 nhưng Hà Giang đã tự lựa chọn cao su là một trong những cây trồng mũi nhọn. Hà Giang hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực Đông Bắc về diện tích cao su.
Thử nghiệm…
Ông Hoàng Nhị Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, kế hoạch đưa cây cao su về trồng trên đất Hà Giang đã được thông qua tại Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIV (2005 – 2010) và đang tiếp tục được triển khai, hoàn thiện.
Trong Nghị quyết này nêu rõ: “Phát triển cây cao su ở Hà Giang là một cây trồng mới, do vậy phải tiến hành những bước đi thận trọng, chắc chắn, không nóng vội chủ quan, từ trồng thử đến quy hoạch vùng trồng cụ thể tại các huyện trong tỉnh. Phát triển cây cao su theo hướng đại điền, tập trung phát triển ở các huyện vùng thấp (như Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên) có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, mỗi điểm quy hoạch tối thiểu 200ha, mỗi vùng 1.000ha”.
Với chủ trương này, tỉnh Hà Giang đã tiến hành trồng thử nghiệm 9,2ha cao su ở hai điểm thuộc các xã Vô Điếm (Bắc Quang) và Trung Thành (Vị Xuyên) từ năm 2008. Các giống được chọn trồng thử là: IAN 873, RRIC 121, GT 1, RRIM 600, RRIC 712. Đây là những giống do Tổng công ty cao su Việt Nam cung cấp, trồng ở khu vực Nam Bộ thì có năng suất mủ cao.
Viễn cảnh huy hoàng
Theo quy hoạch, sẽ có 24 xã thuộc ba huyện nói trên nằm trong vùng phát triển cây cao su của tỉnh, liên quan tới khoảng 4.500 hộ dân. Tổng diện tích đất tự nhiên vùng quy hoạch là 20.605,8 ha với diện tích có khả năng phát triển cao su là 18.885,8 ha. Đất lâm nghiệp chiếm chủ yếu với 16.770,4ha, còn lại 2.115,4ha là đất nông nghiệp. Kế hoạch đến năm 2015 Hà Giang sẽ có 10.000 ha cao su.
Để có đất trồng cao su, UBND tỉnh Hà Giang và công ty CP cao su Hà Giang đã tuyên truyền, kêu gọi người dân quyên góp đất cùng công ty trồng cao su. Phần lớn các hộ góp đất cho công ty trồng cao su đều có sổ đỏ. Chế độ đãi ngộ thông báo khá hấp dẫn. Đối với đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm chuyển sang trồng cao su được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; đất trồng cây hàng năm, nhưng chưa đến kỳ thu hoạch được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; đất trồng cây lâm nghiệp chưa đến kỳ khai thác với cây lâm nghiệp đã trồng từ 1 đến 2 năm hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, cây trên 3 năm hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; diện tích rừng đang được khoanh nuôi, bảo vệ có trữ lượng gỗ tròn từ 15m2/ha hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Trọng Chu – Phó giám đốc Công ty CP cao su Hà Giang cho hay: “Nếu người dân tham gia góp 1 ha, sẽ được tính tương đương với 10 triệu đồng, bằng 1.000 cổ phiếu. Một chu kỳ góp đất, tương đương với một chu kỳ của cây cao su là 26 năm, trong 6 năm đầu sẽ tiến hành kiến thiết cơ bản. Và 20 năm sau, khi cây cao su cho mủ và nếu công ty kinh doanh có lãi, người dân sẽ được hưởng cổ tức. Những hộ tham gia góp đất cũng sẽ được ưu tiên tuyển dụng làm công nhân (nếu đạt tiêu chuẩn), còn lại sẽ được nhận làm công theo thời vụ hoặc được giao diện tích vườn cao su gần nhà để canh tác trông ngô, sắn, lạc… trong 3 năm đầu. Sau 26 năm, nếu hộ gia đình nào không muốn góp đất nữa, thì công ty trả lại đất”.
Anh Tải Văn Dương dân tộc Tày, thôn Cốc Héc, xã Trung Thành (Vị Xuyên) góp 2ha trồng cao su, được đền bù 10 triệu đồng. Anh vui vẻ khoe: “Nhờ có tiền đền bù mà vừa rồi mình đã sửa lại được nhà và mua được cái xe máy Tàu để đi lại. Rừng nhà mình vừa trồng cây lâu năm và cây ăn quả nên được đền bù cao (5 triệu đồng/ha – PV). May được nhận vào làm công nhân cho công ty nữa. Chứ có hộ đền bù được ít chẳng bõ gì, mua cái ti vi và làm bữa khao làng nữa là hết sạch tiền.”
Tổng đầu từ của Dự án cao su Đại điền Hà Giang là 1.150 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào trồng cao su là 770,5 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng 149,5 tỷ đồng, mua sắm thiết bị 103,5 tỷ đồng, thiết kế cơ bản khác là 126,5 tỷ đồng. Trung bình cứ 3 ha sẽ tuyển 1 công nhân, có nghĩa là 10.000 ha sẽ có khoảng hơn 3.000 công nhân sẽ được tuyển dụng làm cho Công ty cao su.
Ông Chu bảo nếu tính toán theo lý thuyết cây cao su Hà Giang sẽ đạt năng suất mủ khoảng 1,2 – 1,6 tấn/ha. Nhân với giá cao su như hiện nay khoảng 60.000 – 68.000 đồng/kg, thì mỗi ha cao su thu gần 100 triệu đồng/năm. “Những năm đầu khai thác, chúng tôi chỉ mong đạt được năng xuất từ 6 – 8 tạ/ha/năm là “ấm” rồi” – ông Chu thổ lộ.
Ông cũng cho hay, trong 6 năm đầu kiến thiết Công ty sẽ đầu tư điện, đường, trường, trạm. Không bao lâu nữa, người dân nơi đây sẽ được đi trên những con đường rải nhựa bóng nhoáng chạy từ quốc lộ vào tận đồi cao su. Có đường, các sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra sẽ được thương lái vào tận nơi thu mua. Và con em quanh vùng sẽ được học trong những nhà trẻ khang trang, ốm đau có trạm y tế để chữa trị…
Ông Nguyễn Hoàng Giang – Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Công ty CP cao su Hà Giang cho biết: “Khoảng năm thứ 4, thứ 5, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy để chế biến mủ tại chỗ. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng nghìn lao động, với mức lương từ 1,9 – 3 triệu đồng/tháng”.
Cứ như viễn cảnh được công ty CP cao su Hà Giang vẽ ra, thì sau 5 năm nữa ở Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên sẽ xuất hiện những nông trường cao su, khắp vùng được phủ một màu xanh cao su. Hàng nghìn nông dân sẽ thoát khỏi cảnh chân lấm, tay bùn, trở thành những công nhân cao su, nhà nhà no ấm…