ThienNhien.Net – Trong một tuyên bố mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận rằng công trình đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất thế giới – đang gây ra các vấn đề về hệ sinh thái, địa chất và con người. Tuyên bố này cũng lần đầu tiên nhìn nhận tác động tiêu cực mà con đập gây ra đối với giao thông vùng hạ lưu và hoạt động cung cấp nước.
Thực tế đã và đang chứng minh cái giá đắt đỏ khó tin của công trình này bởi tính ra, nó đã khiến khoảng 1,4 triệu người phải di dời nhà cửa, trên 1.000 thị trấn, làng mạc ngập chìm trong nước. Ô nhiễm, lắng cặn bùn và lở đất gây trở ngại nặng nề cho khu vực hồ chứa nước. Đến tháng 5/2011, mực nước sông Dương Tử gần thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đã xuống đến cực điểm khiến hàng trăm thuyền bè bị mắc cạn.
Đây vốn không phải là cảnh báo đầu tiên. Cách đây 4 năm, truyền thông Trung Quốc từng trích dẫn lời của các chuyên viên Chính phủ cho rằng: “Có rất nhiều mối hiểm họa cũ và mới đối với hệ sinh thái và môi trường còn tiềm ẩn đằng sau công trình đập Tam Hiệp. Nếu không đưa ra các giải pháp ngăn chặn thì dự án có thể sẽ bị sụp đổ”.
Để loại trừ những đe dọa này, tuần vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc đã họp bàn và cam kết thành lập hệ thống cảnh báo thảm họa, gia cố bờ sông, tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường và đền bù, tạo điều kiện cho các hộ di dời tới nơi ở mới. Bên cạnh đó, Chính phủ còn tiến hành tăng nguồn đầu tư cho các nhà máy xử lý nước của đập Tam Hiệp.
Song phe phản đối con đập này cho là như thế vẫn chưa đủ. Họ tỏ ra bức xúc vì Chính phủ xây dựng một con đập nhưng đã phá hủy cả một dòng sông và có phần không tin vào thiện chí muốn giải quyết vấn đề từ phía Chính phủ.