ThienNhien.Net – “Chẳng lẽ ở khu bảo tồn thiên nhiên mà có chuyện người dân sẽ tham gia quản lí rừng thông qua đại diện của mình và có thể đề cập đến việc khai thác lâm sản?” – Chính những người dân xã Ngọc Lâu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình khi mới nghe tới điều này cũng không khỏi cảm thấy lạ lùng và háo hức. Dự án mà nhiều người dân cho là lạ lẫm này đang mang lại cho họ những lợi ích thiết thực.
Quyền dân chủ trong quản lí rừng
Chúng tôi về xã Ngọc Lâu trong những ngày oi bức đầu hè. Từ sáng sớm, con đường làng dường như tấp nập, ồn ào và đông đúc hơn mọi khi vì người dân đang đổ dồn về họp tại nhà trưởng thôn. Dân bản í ới gọi nhau bằng thứ tiếng dân tộc Mường có nghe mà tôi chẳng hiểu. Nhưng chỉ nhìn nét mặt vui tươi rạng rỡ của họ cũng đoán được họ đang háo hức chờ đợi một điều gì đó. Tìm hiểu ngọn ngành mới vỡ lẽ là hôm nay là ngày xóm tổ chức bầu ban đại diện của mình để tham gia cùng các cơ quan chức năng quản lý bảo vệ rừng.
Việc thành lập Ban tự quản lâm nghiệp xóm là một sự lạ bởi Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông là một khu rừng đặc của nhà nước do lực lượng kiểm lâm trực tiếp quản lý bảo vệ. Lâu nay đây vốn là điểm nóng về khai thác và vận chuyển gỗ trái phép của tỉnh Hòa Bình. Vậy mà nay người dân địa phương lại được giao tự quản rừng cấm, quả là chuyện lạ.
Thay mặt người dân trong xóm, anh Bùi Văn Điệp, bí thư chi Đoàn thanh niên xóm Đèn, đã trình bày qui chế và phương hướng hoạt động của Ban tự quản lâm nghiệp xóm trước toàn thể đại diện các hộ dân trong xóm. Bản qui chế đã xác định chi tiết những chức năng, nhiệm vụ của Ban tự quản lâm nghiệp. Theo đó, xóm sẽ được giao một diện tích rừng đặc dụng cụ thể để cùng quản lý bảo vệ, người dân trong thôn sẽ được phép khai thác và sử dụng các lâm sản phụ theo một phương thức nhất định, việc lấy gỗ từ rừng làm nhà cũng sẽ được xem xét…
Bên cạnh việc Ban tự quản lâm nghiệp sẽ tổ chức nhân dân trong xóm cùng phối hợp với chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm bảo vệ khu rừng của thôn bản thì bản qui chế cũng xác định rằng những người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng sẽ được hưởng một số lợi ích nhất định như được ưu tiên hỗ trợ trong các chương trình phát triển kinh tế của xã về vốn và kỹ thuật.
Có lẽ chưa ở đâu tại Việt Nam việc quản lý sử dụng rừng đặc dụng lại được cởi mở như vậy đối với người dân địa phương.
Chung tay bảo vệ rừng hiệu quả
Phải mất hơn 1 năm, sau sự nỗ lực vận động, giải thích với các bên liên quan và người dân tại địa phương Dự án “Sự tham gia của các tổ chức địa phương trong quản lý bảo vệ rừng đặc dụng” tại Ngọc Sơn – Ngổ Luông mới thúc đẩy được việc thành lập tổ chức của cộng đồng thôn tham gia quản lý bảo vệ rừng một cách đúng nghĩa và đầy đủ.
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, đại diện Dự án chia sẻ: “Trước đây rừng được giao cho các hộ dân theo mô hình giao đất nông nghiệp nhằm phát huy tối đa sức sản xuất của nhân dân trong phát triển rừng. Sau đó, khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập, rừng được đưa về quản lý bảo vệ bởi cơ quan kiểm lâm. Tuy nhiên, cả việc giao cho các hộ dân riêng lẻ cũng như cho ban quản lý khu bảo tồn tập trung cũng đều tỏ ra chưa hiệu quả. Dự án này được triển khai nhằm thí điểm mô hình thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan một cách có tổ chức để quản lý bảo vệ hiệu quả rừng đặc dụng”.
Cùng với xóm Đèn của xã Ngọc Lâu, trong lần này còn có xóm Khú của xã Ngọc Sơn tiến hành thành lập Ban tự quản lâm nghiệp xóm. Người dân hai xóm đã bỏ phiếu tín nhiệm để bầu ra được những cá nhân có đủ năng lực nhiệt huyết, trình độ vào Ban tự quản lâm nghiệp.
Tại xóm Đèn đã có 5 thành viên, xóm Khú có 7 thành viên trúng cử vào Ban tự quản lâm nghiệp. Những người trong Ban tự quản sẽ là cầu nối giữa người dân và chính quyền địa phương cùng ban quản lý Khu bảo tồn trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
Theo Phương hướng hoạt động được ban tự quản xóm xây dựng thì Ban tự quản sẽ cùng với khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Chính quyền xã tiến hành xác định vị trí, phạm vi rừng được giao cho xóm tham gia quản lý. Việc xác định này sẽ được tiến hành dựa vào bản đồ và giao trên hiện trường thực tế.
Việc giao quản lý bảo vệ rừng sẽ được hình thức hóa ở dạng văn bản, trong đó xác định vị trí, diện tích, số lô khoảnh, hiện trạng rừng khi giao cho cộng đồng quản lý.
Phạm vi rừng được giao cho thôn là cơ sở để tiến hành các hoạt động phối hợp quản lý và bảo vệ rừng tiếp theo. Cũng theo phương hướng hoạt động thì những quyết định liên quan đến việc quy hoạch sử dụng đất rừng của Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông và Chính quyền xã trong phạm vi được giao sẽ được thông tin, bàn bạc và tham vấn với Ban tự quản lâm nghiệp xóm.
Ban có thể tổ chức đội tuần tra rừng nhân dân, cùng kiểm lâm tuần tra rừng, báo tin vi phạm rừng, quy định về cách thức xử lý, ngăn chặn người vi phạm, tạm giữ người và tang vật để BQL và UBND xã đến giải quyết; quy định về cách thức hòa giải những vi phạm tới rừng ở thôn, lên phương án huy động nhân lực cho việc phòng và chữa cháy, hỗ trợ về nghiệp vụ và trang thiết bị cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng…
Ông Bùi Văn Đoàn – Phó giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông phấn khởi chia sẻ: “Việc quản lý bảo vệ rừng của chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn. Đây là dự án thí điểm ngay chính tại địa phương có rừng đặc dụng, mong rằng thông qua dự án người dân sẽ tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Chúng tôi sẽ phối hợp và hỗ trợ những vấn đề cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu chung của cộng đồng”.
Thay mặt những người trong ban tự quản lâm nghiệp mới được bầu chọn của xóm Đèn, anh Bùi Văn Phượng cho biết: “Mặc dù đây là tổ chức đầu tiên tại địa phương nhưng bà con rất đồng tình, chúng tôi hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hi vọng chương trình bước đầu sẽ thành công, đạt được kết quả khả quan để làm chuẩn và nhân rộng sang các địa phương khác”.