ThienNhien.Net – Trước thời điểm Luật Khoáng sản sửa đổi được thông qua, câu chuyện về khai thác khoáng sản đã được các đại biểu quốc hội xới tung trên mọi phương diện nhằm tìm ra những điểm sơ hở cần bổ sung, sửa đổi. Một đôi tuần nay, khi chỉ còn hơn một tháng nữa Luật Khoáng sản sẽ đi vào cuộc sống, câu chuyện về khai thác khoáng sản lại được khuấy động trên nhiều mặt báo với những bất cập và hệ lụy xung quanh hoạt động cấp phép tràn lan ở địa phương lẫn những sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác. Sự ra đời của Luật Khoáng sản sửa đổi đã và đang đặt ra nhiều kì vọng cho việc giải quyết những tồn tại dai dẳng trong ngành khai khoáng, tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây lại chỉ ra rằng, bản thân Luật mới vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ tham nhũng, và sẽ thật khó có thể đáp ứng mọi kì vọng nếu không sớm thực hiện Sáng kiến minh bạch ngành khai thác (EITI) đang ngày càng nhận được nhiều sự hưởng ứng.
“Hổng” ở mọi khâu
Những thiết sót và sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản đã được chia sẻ cởi mở tại hội nghị bàn tròn về “Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển và Tổ chức Hướng tới Minh bạch – cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam tổ chức trong ngày 17/5.
Theo đó, một trong những sơ hở dễ nhận thấy nhất là thực trạng cấp phép diễn ra tràn lan ở các địa phương. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, chỉ trong vòng 3 năm (2005 – 2008), các địa phương đã cấp gần 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản, cao hơn gấp 10 lần so với số lượng giấy phép các bộ cấp trong 12 năm (1996 – 2008). Việc cho phép UBND tỉnh, thành phố được cấp phép ở những vùng ngoài quy hoạch của Nhà nước và những vùng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng trên.
Đáng chú ý là một số địa phương không xây dựng quy trình, thủ tục cấp phép, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Luật quy định chủ đầu tư phải lập báo cáo tác động môi trường và lấy đó làm cơ sở cho việc cấp phép khai khoáng nhưng có tỉnh lại bỏ qua thủ tục này và thay bằng bản cam kết bảo vệ môi trường.
Bên cạnh các sai phạm trong hoạt động cấp phép, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện hàng loạt các dạng sai phạm khác liên quan đến việc ban hành văn bản, hoạt động khai thác, các vi phạm về quản lý môi trường, vi phạm quy định về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, vi phạm các quy định trong quản lý xuất khẩu khoáng sản.
Một số UBND tỉnh “phân cấp” cho UBND cấp quận/huyện hoặc cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản sai quy định dẫn đến sai trong quy trình cấp phép, thẩm định. Có nơi còn ban hành trình tự thủ tục cấp phép trái với quy định như: “Tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động khoáng sản phải có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới được tiếp nhận hồ sơ”, tạo ra cơ chế độc quyền, xin – cho, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo, hầu hết các quy hoạch khoáng sản còn khá sơ sài, chủ yếu chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh có mỏ do trung ương hoặc địa phương quản lý mà không có tọa độ, diện tích cụ thể hoặc nếu có thì chỉ là tọa độ hành chính, khiến việc xác định thẩm quyền cấp phép cho một khu vực mỏ cụ thể gặp nhiều khó khăn.
Sự lỏng lẻo trong công tác cấp phép và quản lý khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều mỏ không thực hiện đầy đủ các quy định về khai thác khoáng sản như việc phải chấp hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong khai thác mỏ; cam kết bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác…
Luật mới vẫn chứa đựng nguy cơ tham nhũng
Chỉ còn chưa đầy một tháng rưỡi nữa, Luật Khoáng sản sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Với nhiều điểm được sửa đổi và bổ sung, Luật mới đang đặt ra kì vọng rất lớn cho việc giải quyết ổn thỏa những bất cập xung quanh câu chuyện rối rắm về nạn khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ts. Vũ Thu Hạnh, Trường Đại học Luật Hà Nội cho thấy, bên cạnh những điểm tiến bộ, Luật Khoáng sản sửa đổi vẫn chứa đựng rất nhiều nguy cơ tham nhũng. Tương ứng với mỗi nguy cơ là những dấu hiệu có thể dễ dàng nhận thấy.
Hơn bảy nhóm nguy cơ, theo Ts. Hạnh hiện đều tiềm ẩn trong hầu hết các khâu, từ việc quy hoạch hoạt động khoáng sản đến hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản, thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản và nhiều vấn đề khác, thậm chí cả trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản – khâu vẫn được cho là điểm tiến bộ nhất trong các quy định mới của Luật.
Trong khâu này, Ts. Hạnh cho biết, các nguy cơ tham nhũng cụ thể như “doanh nghiệp có thể tác động đến kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hàng năm”, “tổ chức hội đồng đấu giá tốn kém, phức tạp, trách nhiệm cá nhân thấp, khả năng rò rỉ thông tin lớn”, “đấu giá hạn chế thay vì đấu giá rộng rãi” có thể được nhận diện bằng dấu hiệu tương ứng như “tiêu chuẩn lựa chọn doanh nghiệp tham gia đấu giá cao một cách không cần thiết”, “xét tuyển doanh nghiệp tham gia đấu giá quá chặt, không có lý do chính đáng”, “lập hội đồng đấu giá ở những mỏ có thể giao cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp”.
Với khâu thăm dò khoáng sản, dấu hiệu nhận biết tham nhũng lại là việc doanh nghiệp sử dụng máy móc khai thác trong khâu thăm dò, thời gian thăm dò kéo dài bất thường, báo cáo trữ lượng quá thấp do với đánh giá tiềm năng trước đó, thẩm định trữ lượng khoáng sản sơ sài hoặc doanh nghiệp đầu tư quá mức so với trữ lượng được báo cáo. Trong khi đó, việc sử dụng nhiều nhân công, dụng cụ, máy móc ở vùng không được khai thác hoặc vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm lên những khu vực rừng núi một cách bất thường hoặc xuất hiện nhiều tiểu thương chuyên thu mua khoáng sản một cách nhỏ lẻ trong khu vực là những dấu hiệu khả nghi cho thấy nguy cơ tham nhũng trong khâu bảo vệ khoáng sản.
Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu đáng ngờ khác cũng cần được lưu ý để có thể nhận biết dễ hơn các nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực này, đơn cử như việc doanh nghiệp sử dụng thiết bị, máy móc khai thác khoáng sản trên đất sử dụng vào mục đích khác hoặc doanh nghiệp hợp đồng thuê đất có diện tích quá lớn so với nhu cầu khai thác, hoặc tập kết nhiều vật tư, vật liệu không phải là khoáng sản khai thác được trong khu vực thuê đất, liên tục báo lỗ trong nhiều năm liên tiếp nhưng vẫn mở rộng khai thác/xin cấp phép ở các mỏ tương tự, doanh nghiệp xin phép nhiều đề án đầu tư điều tra khoáng sản nhưng không đủ năng lực thực hiện…
Nhận định về các lỗ hổng nêu trên, Ts. Hạnh cho rằng, hoàn toàn có thể lấp đầy chúng bằng những văn bản dưới luật, tuy nhiên, vẫn cần thực hiện nghiêm các quy định của Luật.
Có thể nói, hầu hết các nguy cơ tham nhũng đều xuất phát từ sự thiếu sự minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình trong hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản. Mảng xám này được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc làm tăng các nguy cơ tiêu cực lẫn những hệ lụy và bất cập phát sinh. Yêu cầu thực hiện minh bạch hóa trong ngành công nghiệp khai khoáng vì thế trở nên quan trọng và cần thiết.
Cơ hội minh bạch từ EITI
Là khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (The Extractive Industry Transparency Initiative – EITI) đang dần trở thành tâm điểm trong câu chuyện về khai thác khoáng sản tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác với những nỗ lực nhằm tối đa hóa lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên cho người dân và phát triển bền vững quốc gia.
Sáng kiến này đồng thời đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan như: chính phủ, doanh nghiệp khai khoáng và các tổ chức nhân dân thông qua các đối thoại chính thức về việc công bố và giám sát nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác. Hiện đã có 35 nước thành viên đăng ký tham gia thực hiện EITI trong khi Việt Nam đang trong quá trình tìm hiểu về sáng kiến này. Lợi ích của việc tham gia EITI có thể nhận thấy rõ, tuy nhiên, để sáng kiến được thực thi, chúng ta cần kêu gọi hơn nữa sự quan tâm của các bên liên quan, đồng thời lựa chọn mô hình EITI phù hợp để thực hiện.
Một số nghiên cứu bước đầu gần đây ở Việt Nam cho thấy, chính phủ sẽ không chỉ cải thiện được môi trường đầu tư, hạn chế nguy cơ tham nhũng, tạo được lòng tin đối với các nhà tài trợ mà còn đảm bảo ổn định nền chính trị, kinh tế và xã hội trong nước nếu tham gia thực hiện EITI. Phía các doanh nghiệp/nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng một môi trường đầu tư thuận lợi nhờ sự ổn định lâu dài về chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời giảm thiểu được nhiều “chi phí phụ trội” vốn không cần thiết. Trong khi đó, khối các bên liên quan thì được cung cấp những thông tin cơ bản về hoạt động quản lý ngân sách và nguồn thu từ chính phủ trong hoạt động khai khoáng.
Một trong những rào cản cơ bản khiến tiến trình vận động tham gia thực hiện EITI ở Việt Nam tiếp tục kéo dài là sự thiếu chia sẻ thông tin trong cộng đồng về những ích lợi khi tham gia sáng kiến này. Thậm chí, nhiều tư tưởng sai lệch còn cho rằng EITI có tính “đối kháng” nhiều hơn là thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng phát triển.
Do đó, việc có một chương trình, hành động cụ thể nhằm kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, tạo điều kiện để EITI được hiểu một cách đúng nghĩa và để sáng kiến hữu ích này sớm được thực thi là rất cần thiết. Trong đó, thiết lập các cơ chế có sự tham gia của các tổ chức nhân dân nhằm tăng cường hỗ trợ cho cuộc vận động tham gia thực hiện EITI tại Việt Nam, tạo đà cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam, có thể là một giải pháp thiết thực.
Bất cập và hệ lụy từ khai thác khoáng sản