ThienNhien.Net – Hạn hán ở nước ta gây tổn thất nghiêm trọng thứ ba sau bão và lũ lụt. Tuy ít gây thiệt hại trực tiếp về người nhưng thiệt hại về kinh tế, xã hội, là hết sức phức tạp, gây hậu quả lâu dài, khó khắc phục.
Ngoài sự gia tăng nhu cầu nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tình trạng khô hạn có thể xảy ra do biến đổi khí hậu. Đó là một trong những kết luận từ nghiên cứu* về tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai, được đăng tải trên Tạp chí Khí tượng Thủy Văn 3/2011.
Khảo sát của nghiên cứu này cho thấy trong những năm gần đây, lượng mưa trên các lưu vực sông trong các tháng cuối mùa, nhất là mùa khô thiết hụt so với trung bình nhiều năm khá nhiều, có nơi thiếu hụt nghiêm trọng.
Tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, theo số liệu thời kỳ 1980- 2009, tại 24 trạm thủy văn chốt trên lưu vực sông chính đã xuất hiện các giá trị cực hạn; tại các hạ lưu sông đều thấy rõ xu hướng giảm mực nước thấp nhất năm.
Ở Nam Bộ, phân tích kết quả 18 trạm thủy văn cho thấy xu hướng xu hướng gia tăng mực nước thấp nhất trong năm ở ĐBSCL, trong đó tăng nhiều hơn ở các khu vực ven biển Đông, tăng ít hơn khi vào trong nội địa. Điều này cho thấy sự gia tăng xâm nhập mặn vào nội địa, làm cho hạn hán thiếu nước ngọt ở ĐBSCL. Lượng nước ở các sông suối thượng nguồn vùng Đông Nam Bộ có xu hướng gia tăng trong vòng 30 gần đây, nhưng tại hạ lưu các sông, mực nước thấp nhất có xu hướng giảm.
Dựa trên các khảo sát thực tế về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tình trạng hạn hán, nghiên cứu khuyến cáo: Để thích ứng với BĐKH, giảm nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước, giảm thiệt hại khi hạn hán xảy ra chúng ta cần tăng cường xây dựng chính sách, thể chế và nhận thức trong xã hội; thực thi những giải pháp đồng bộ, tăng cường quản lí tổng thể các lưu vực sông, bảo vệ và bảo đảm nguồn nước đáp ứng các nhu cầu khi hạn hán; chuyển đổi nhận thức và hành động, tập quán để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội hài hòa với điều kiện nguồn nước lưu vực ở địa phương.
* Bước đầu đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đến thiên tai, lụt lụt, lũ quét và hạn hán ở Việt Nam, PGS-TS. Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; KS. Bùi Đức Long – Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)