Kỳ cuối: Đau đầu bài toán bảo tồn
ThienNhien.Net – Xung quanh số phận của những chú voọc mũi hếch kia là nỗi trăn trở của biết bao con người. Đứng trên địa vị của mình, họ có những mối quan tâm và góc nhìn khác nhau. Quyền lợi nào cần được đặt lên trên? Những quy định trên giấy tờ, mong muốn trong thâm tâm và thực tiễn đang tiếp diễn nên được hài hòa ở mức độ nào? Câu chuyện về bảo tồn ở Khau Ca và ở các khu bảo tồn khác sẽ trở nên dễ dàng hơn khi các bên liên quan có thể ngồi lại với nhau và tìm được tiếng nói chung.
Xét trên khía cạnh bảo vệ loài voọc mũi hếch, lý do chính mà người ta thành lập ra khu bảo tồn Khau Ca này, thì người ta có thể có lý khi cho rằng nên mở rộng khu bảo tồn lên gấp đôi. Không bàn đến con số 5.000 ha là lớn hay nhỏ, nhưng rõ ràng khi khu bảo tồn được nới rộng, hành lang bảo vệ chúng cũng lớn hơn.
Nhưng vậy còn vấn đề dân cư trong khu bảo tồn thì tính sao? Nói đi, nói lại dù sao vẫn phải giải quyết vấn đề trước mắt về con người. Người dân địa phương đã lên tiếng lo ngại mất đất đai, về nguồn sống bấp bênh của họ, và Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn cũng đã thừa nhận chưa có kinh phí hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống. Còn nghe nói ở thôn Tin Tốc của xã Tùng Bá có hộ người Mông trước đây sinh sống trên đất rừng Du Già. Khi Du Già thành khu bảo tồn họ buộc phải dắt díu nhau đi tìm cánh rừng khác (tập quán của người Mông thường sống gắn với rừng). Đến Khau Ca chưa được yên thì lại nằm trong diện đất quy hoạch khu bảo tồn. Ngôi nhà đất của họ mới được chương trình xóa nhà tạm hỗ trợ, nay họ không biết phải đi đâu cho thoát “nạn khu bảo tồn”.
Vì ý tưởng đề xuất mở rộng khu bảo tồn vẫn chỉ là câu chuyện “trong nhà”, còn chưa ngã ngũ của Ban quản lý nên ông Vũ Văn Hợi – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Mê bảo rằng ông cũng chưa hề biết. Tuy nhiên, ông Hợi cho rằng nếu mở rộng Khu bảo tồn thì Ban quản lý và tỉnh phải có kế hoạch đền bù đất ở, đất nông nghiệp cũng như đất rừng, cây trồng cho bà con, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới.
Vẫn là lời hứa
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Văn Tuệ cho biết: “Cũng có thể không phải chuyển nhà dân ra chỗ khác, nhưng khi mở rộng Khu bảo tồn thì các hộ dân không được vào rừng để khai thác các lâm sản, kể cả việc chặt gỗ làm nhà hay hái măng rừng. Những hộ nằm trong Khu bảo tồn chúng tôi sẽ hỗ trợ về sinh kế, chuyển sang mưu sinh bằng con đường khác”.
Tuy nhiên, con đường mưu sinh ấy là gì thì Ban quản lý vẫn chưa thể mường tượng ra được. Trong buổi Hội thảo “Phối hợp quản lý rừng đặc dụng giữa Khu bảo tồn Khau Ca và các xã” do Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và Ban quản lý Khu bảo tồn phối hợp tổ chức hôm cuối tháng tư vừa rồi mà chúng tôi may mắn được tham dự, chúng tôi cảm nhận rằng những lời nhắc nhở, đề nghị của các vị chủ tịch xã Minh Sơn, Tùng Bá đối với Ban quản lý cũng chính là nguyện vọng cụ thể, thiết thực của bà con đang sinh sống trong Khu bảo tồn Khau Ca: “Ban quản lý Khu bảo tồn phải quan tâm đến vấn đề an sinh cho người dân. Nên cho trồng cây lâm nghiệp ở những nương, rẫy và sau này người dân được hưởng lợi từ rừng này”, hay “Nếu lấy đất, Ban quản lý Khu bảo tồn phải hỗ trợ cho bà con chuyển đổi nghề nghiệp, làm thuỷ lợi để tưới tiêu những diện tích còn lại, hỗ trợ làm đường giao thông”.
Tiếc rằng, trong giới hạn của mình, câu trả lời của Ban quản lý Khu bảo tồn vẫn là sẽ bổ sung, xem xét…