ThienNhien.Net – Chưa một nghiên cứu nào có thể lý giải toàn diện về sự suy giảm chưa từng thấy của quần thể các loài lưỡng cư và vì sao tốc độ suy giảm của chúng lại nhanh hơn nhiều động vật khác. Đây là kết luận của các nhà khoa học trong một nghiên cứu do giáo sư ngành Động vật học Andrew Blaustein thuộc Đại học Bang Oregon chủ trì và được công bố trên tạp chí của Viện Khoa học New York (Mỹ).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm số lượng các loài lưỡng cư có liên quan tới những tác động tự nhiên như quy luật cạnh tranh, chọn lọc tự nhiên, bệnh dịch… và cả những sức ép từ phía con người như suy thoái môi trường sống, ô nhiễm, các loài xâm lấn và biến đổi khí hậu.
Còn theo giáo sư Andrew Blaustein thì “suốt 100 năm qua, hành tinh của chúng ta ít nhiều đã có sự thay đổi, trong khi các loài lưỡng cư lại không tiến hóa kịp để thích nghi với sự thay đổi đó”.
Ông nói thêm: “Do da có độ ẩm cao và sống ở cả môi trường dưới nước lẫn trên cạn nên các loài lưỡng cư phải đương đầu với sự sụt giảm gấp đôi”. Và Andrew Blaustein cho rằng đây là nguyên nhân khiến những động vật có vú, cá và chim không hoặc ít nhất là chưa phải chịu tác động khắc nghiệt lên “dân số” như loài lưỡng cư.
Tất cả những thay đổi ấy khiến các nhà nghiên cứu tin là Trái đất hiện nay đang rơi vào một giai đoạn tuyệt chủng lớn, tương tự như 5 đợt đại tuyệt chủng trong lịch sử. Người ta còn ước tính tốc độ biến mất của các loài lưỡng cư đã nhanh gấp 200 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng bình quân.
Rõ ràng, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm nghiêm trọng này. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu chỉ tập trung vào một hoặc vài nguyên nhân nhất định như dịch bệnh do nấm, loài xâm lấn, sự gia tăng tia cực tím do lỗ thủng tầng ozone, ô nhiễm, hiện tượng nóng lên toàn cầu…
Điểm mới của nghiên cứu mới công bố là nhận định rằng tất cả những nguyên nhân nói trên đều góp phần vào sự sụt giảm này, song nếu muốn nắm được toàn bộ vấn đề thì chúng ta phải đánh giá tất cả các nguyên nhân và kết nối chúng lại với nhau. Ngược lại, khi chỉ nhìn vấn đề từ một phương diện nào đó hoặc chỉ tập trung nghiên cứu một nguyên cớ đơn lẻ thì khó tránh khỏi thất bại, thậm chí còn làm vấn đề trở nên phức tạp, dẫn đến bỏ sót mối tương tác qua lại giữa các loài, bao gồm những tác động gián tiếp và rất nhiều yếu tố khác.
Chẳng hạn, trường hợp nấm B.dendrobatidis gây ra sự suy giảm của nhiều quần thể ếch trên thế giới thông qua việc làm mất cân bằng điện giải; sán ký sinh gây nên những dị tật nghiêm trọng ở tay chân hay loài giun tròn có thể tạo ra những tổn thương ở thận… Kết hợp những tác nhân này trên một đối tượng sẽ giúp ta lý giải được tình trạng suy giảm mạnh mẽ về số lượng các quần thể ếch.
Đáng chú ý là theo quan điểm của những nhà nghiên cứu tiến hành báo cáo trên, sự biến mất nhanh chóng của các loài lưỡng cư là minh chứng cho thấy những thay đổi mà ngày nay chúng đang phải đối mặt đã tăng lên gấp nhiều lần so với bất kỳ biến đổi nào chúng đã từng trải qua. Nói cách khác, sức ép từ chọn lọc tự nhiên cùng những hoạt động của con người đang trở nên vô cùng khắc nghiệt và có vẻ như quá nhanh so với tốc độ tiến hóa để thích nghi của các loài lưỡng cư.