ThienNhien.Net – Quyết định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Phong Điền, Thừa Thiên – Huế vào năm 2002 đánh dấu một mốc quan trọng, tạo điều kiện để khu vực này khôi phục những giá trị quý báu về đa dạng sinh học vốn từng bị hủy hoại bởi bom đạn chiến tranh và sự khai thác quá mức của con người. Ngày nay, đến KBTTN Phong Điền, du khách hẳn sẽ rất ngạc nhiên và thích thú trước khung cảnh và vẻ đẹp kì thú của núi rừng với nhiều loài sinh vật độc đáo, trong đó không thể không kể tới những chú ếch lạ nhiều màu sắc, những loài rắn, thằn lằn đặc biệt quý hiếm.
Đa dạng các loài ếch nhái
Loài ếch độc đáo có thể kể tới đầu tiên là Ếch cây mép trắng, chúng sở hữu hơn 4 dạng màu sắc và kích thước khác nhau. Với đặc điểm này, Ếch cây mép trắng được xem là loài hỗn hợp và hiện các nhà khoa học đang củng cố dẫn liệu về sinh học phân tử để tách loài này thành các loài riêng biệt. Đây cũng là loài có vùng phân bố rộng, thường được tìm thấy ở những nơi có người sinh sống, tuy nhiên cũng có thể bắt gặp chúng trong khu bảo tồn thiên nhiên.
Gần giống với loài Ếch cây mép trắng là loài Ếch cây Oc lốp, tên loài này được gọi theo tên của chuyên gia nghiên cứu ếch nhái, bò sát người Nga (Nikolai Orlov). Loài này được phát hiện ở vùng núi phía Tây của Hà Tĩnh và được công bố từ năm 2001 nhưng dữ liệu về chúng đến nay vẫn còn ít được biết đến. Ếch cây Oc lốp thường đẻ trứng trong những bọng cây có nước trong rừng, mỗi bọng nước chứa từ 5 -10 con non.
Khác với hai loài ếch trên, các loài thuộc giống Ếch cây Rhacophorus lại thích chiếm ngự khoảng không trên cao, chúng có màng da chân trước rất phát triển, đóng vai trò như chiếc dù, giúp ếch liệng từ cây này sang cây khác. Ngoài ra, các giác bám ở đầu mút các ngón chân cũng giúp cho chúng bám chắc trên cành cây. Vì chủ yếu kiếm sống trên cành cao nên loài ếch này đòi hỏi chất lượng rừng tốt để đảm bảo độ ẩm thích hợp cho hoạt động hô hấp. Đó cũng là lí do chúng được xem là loài chỉ thị cho chất lượng rừng. Một trong những loài thuộc giống Ếch cây Rhacophorus dễ bắt gặp ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền là loài Ếch cây Trung bộ. Chúng có kích thước trung bình và cũng thường đẻ trứng ở các vũng nước đọng trong rừng hay các hố bom có nước.
Nếu chịu khó quan sát và gặp may, du khách cũng có thể tìm thấy loài Ếch cây sần. Ếch cây sần trưởng thành thường bám trên những thân cây to có rêu, loang lổ, trứng của chúng cũng nằm trong các bọng cây có nước. Màu sắc của Ếch cây sần hòa cùng màu vỏ cây, giúp chúng tránh được kẻ thù và tăng khả năng rình mồi. Cũng vì khó bắt gặp nên loài ếch này ít khi được nhắc đến trong các báo cáo điều tra về lưỡng cư. Việc phát hiện chúng ở KBTTN Phong Điền vì thế được xem như một minh chứng cho thấy tiềm năng đa dạng sinh học giàu có của vùng đất này.
Sẽ rất may mắn và thú vị nếu được nhìn hoặc nghe thấy “bản đơn tấu” hoặc “hợp xướng” của đàn Nhái cây ở Phong Điền bởi thật không dễ gì bắt gặp loài này. Màu da của chúng tựa như màu lá và bản tính ưa lẩn trốn ánh sáng của Nhái cây khiến nhiều người khó có dịp chiêm ngưỡng diện mạo cũng như thưởng thức âm thanh của chúng.
Trong khi đó, ở những nơi có thác nước lớn, du khách lại dễ “chộp” được hình ảnh ngộ nghĩnh của những chú ếch có kích thước lớn, biết nhảy và bơi rất giỏi. Điển hình cho nhóm này là loài Ếch gai giống Quasipaa, tuy nhiên, số lượng của chúng đang bị suy giảm do hoạt động khai thác của con người.
Hội tụ nhiều loài bò sát quý hiếm
Không chỉ sở hữu nhiều loài ếch lạ, Khu BTTN Phong Điền còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài bò sát quý hiếm khác. Hầu hết các khe suối ở Phong Điền đều có sự góp mặt của loài Rắn mối nước, loài được xem là đặc hữu của Việt Nam, hiện mới chỉ được ghi nhận ở một vài vùng thuộc miền Trung. Vì gắn với môi trường nước nên loài này có nhiều kiểu biến đổi hình thái thú vị, dễ nhận thấy là chiếc đuôi của chúng có hướng dẹp bên, khỏe, chắc (không dễ rụng như những thằn lằn cạn).
Dọc các cây bụi có thể dễ dàng bắt gặp những con Ô rô vảy phơi mình dưới nắng hoặc đang kiếm ăn. Với hàng gai nhọn giữa lưng và trên vùng mắt, đầu kèm màu sắc lòe loẹt, loài vật này đang được trưng nuôi làm sinh vật cảnh.
Đặc biệt, trong nhiều loài bò sát có mặt tại Phong Điền thì Thằn lằn ngón là một loài vô cùng độc đáo, chúng thường sống ở các khe nứt của các vách đá hoặc dưới lớp vỏ cây rừng, hoạt động kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Loài thằn lằn quý hiếm này được mô tả lần đầu vào năm 2006 trên các mẫu vật thu được tại huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế, và đến nay thì mới chỉ có Phong Điền là nơi ghi nhận thứ hai, hiện các vùng khác thuộc Việt Nam và trên cả thế giới vẫn chưa hề tìm thấy dấu vết của chúng.