ThienNhien.Net – Tình trạng người dân chặn dòng săn lùng sâm đất, nuôi tôm trong rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ – TP. Hồ Chí Minh) cộng với nạn dịch sâu ăn lá đang khiến hàng chục ha rừng đước Cần Giờ chết dần.
Báo Pháp luật TP. HCM ngày 2/5/2011 cho biết, từ ngày rộ lên phong trào lùng sâm đất về bán, nhiều cánh rừng đước bị đào xới ngổn ngang. Cây lớn, cây bé bị đổ bật gốc, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi. Thêm nữa việc người dân nuôi tôm cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến cây đước ở Cần Giờ. Hiện có 400 hộ dân đang nuôi tôm bán tự nhiên trong các tiểu khu thuộc rừng ngập mặn Cần Giờ.
Theo Chi cục Lâm nghiệp TP.HCM, việc nhiều hộ nuôi tôm vào rừng Cần Giờ tự ý khoanh vùng, đắp bờ, chặn dòng nước đã khiến tình trạng ngập úng kéo dài, độ mặn tăng cao làm tầng đất trên bị khô cứng khiến cây bị chết
Ngoài ra, cây chết hàng loạt còn được xác định là do nạn dịch sâu ăn lá, sâu đục thân. Số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ cho biết hiện mấy chục hecta rừng đước đã bị chết do sâu bệnh và có nguy cơ lan rộng ra nhiều nơi với tốc độ nhanh.
Với diện tích hơn 37.000 ha, rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi lưu giữ nhiều giống gen động, thực vật quý hiếm. Năm 2001, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. |