ThienNhien.Net – Sự biến mất của loài rùa lớn, voi và các động vật ăn quả khác ở nhiều vùng rừng nhiệt đới trên thế giới đã khiến các khu rừng phải hứng chịu một mất mát lớn – khả năng phát tán hạt giống thực vật. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng các loài động vật được du nhập từ nơi khác cũng có thể thực hiện vai trò sinh thái thiết yếu này…
Câu chuyện về loài rùa Aldabra trên đảo quốc Mauritius
Sự tuyệt chủng của một số loài động vật bản địa ăn quả lớn tại Quốc đảo Mauritius, như chim cưu, thằn lằn khổng lồ và hai loài rùa lớn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những loài thực vật có quả của hòn đảo này.
Các thực vật sống trên đảo Mauritius, dưới sự xâm lấn của một loạt các loài cây cạnh tranh và các loài động vật ăn thịt, chỉ còn tồn tại trong một vài khu vực nhỏ được quản lý bảo tồn. Thậm chí, ngay tại nơi các thực vật xâm lấn được con người can thiệp loại bỏ thì số lượng cây ra quả lớn ở vùng đất này vẫn đang giảm dần vì sự vắng bóng của các loài động vật ăn quả giúp phát tán hạt giống.
Sau một quá trình dày công nghiên cứu, Dennis Hansen, nhà sinh thái học của Đại học Zurich, đã nhận định rằng, sẽ rất hiệu quả và thiết thực để khôi phục một số mô hình sinh thái đã mất ở đảo Mauritius nếu đưa các cá thể rùa lớn – được coi là một trong những sinh vật phát tán hạt giống – từ các hòn đảo khác tới Mauritius, thay thế loài rùa bản địa đã tuyệt chủng.
Và trong một nỗ lực phục hồi sinh cảnh trên hòn đảo hoang Ile aux Aigrettes thuộc Mauritius, Liên đoàn Bảo vệ Động thực vật Hoang dã Mauritius (Mauritius Wildlife Federation) và Chính phủ Mauritius đã tiến hành thử nghiệm kế hoạch tái du nhập 2.000 cá thể rùa khổng lồ Aldabra với hy vọng chúng sẽ giúp khôi phục các loài thực vật bản địa. Hiện những cá thể rùa Aldabra đang làm nhiệm vụ phát tán hạt giống của một vài loài thực vật bản địa và hạn chế dần sự xâm lấn của giống cây ngoại lai keo dậu (Leuceana leucocephala) bằng cách biến hạt giống của nó thành bữa ăn của mình.
Và rùa Aldabra đã cứu ít nhất một loài thực vật ra khỏi vòng nguy hiểm. Đó là loài Diospyros egrettarum. Bằng cách ăn quả và thải hạt, một mầm cây mới đã bắt đầu hình thành từ chính phân của loài rùa Aldabra.
Từ những dẫn chứng cụ thể…
Ở hầu hết các vùng rừng nhiệt đới trên thế giới, sự thiếu hụt các loài phát tán hạt giống là một vấn đề hết sức nóng bỏng. Thậm chí, rừng có thể rơi vào tình trạng thay đổi đột ngột nếu các động vật ăn quả lớn biến mất.
Trong khu vực rừng Amazon thuộc đất nước Peru xinh đẹp, việc săn bắn các loài khỉ lớn lấy thịt đã làm biến đổi hình thái rừng, khiến cho những thực vật có hạt giống được phát tán theo gió chiếm ưu thế hơn hẳn. Còn ở các vùng thường xuyên có hoạt động săn bắn thuộc rừng Ngotto, nước Cộng hòa Trung Phi, sự biến mất của các loài động vật lớn, bao gồm động vật linh trưởng, voi, chim mỏ sừng và một nhóm chim ăn quả, đã dẫn tới sụt giảm mức độ phong phú, đa dạng của các loài cây non.
Tại rừng mưa nhiệt đới Đại Tây Dương thuộc Brazil, người ta nhận thấy hiện tượng giảm sút số lượng chuột lang aguti – một loài gặm nhấm lớn chuyên trữ hạt dưới lòng đất – cũng làm giảm tần số xuất hiện của cây cọ, loài cây đặc hữu ở nơi đây. Sang tới Roraima – một khu vực khác thuộc Brazil, người ta có thể theo dõi bản đồ di chuyển của loài heo vòi từ trên cao bằng cách nối các lùm cọ bản địa mọc lên từ phân của chúng trên. Giống như hầu hết những động vật bản địa lớn có vú sống ở vùng nhiệt đới, heo vòi cũng bị đe dọa bởi tác động của nạn săn bắn và sự mất đi môi trường sống vốn có.
Tại Uganda, sự hiện hữu của loài cây krobodua cũng phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ nhân giống của một quần thể voi rừng vốn đang ngày một giảm dần.
… đến mối tương tác giữa động vật ăn quả và thực vật có quả
Trải qua 30 năm, các nhà sinh thái học bắt đầu khám phá sâu hơn mối quan hệ “cộng tác” giữa thực vật có quả và động vật ăn quả, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Họ đã tìm ra những bí ẩn về cộng đồng thực vật rừng, nơi đang vắng bóng dần các động vật ăn quả bản địa lớn.
Ở những khu rừng mưa nhiệt đới, khoảng 70% các loài cây cần có sự hỗ trợ phát tán hạt giống từ động vật. Khi rừng bị chặt phá và hoạt động săn bắn động vật gia tăng thì động thực vật trong rừng sẽ tiếp tục giảm sút về số lượng. Kết quả là, loài cây có hạt giống được phát tán theo gió hoặc theo dòng nước sẽ chiếm ưu thế ở các khu rừng tái sinh trong khi loài cây có hạt giống lớn vốn được phát tán nhờ động vật sẽ giảm đi.
Bàn về vấn đề này, Hansen cho biết, loại hình tuyệt chủng nguy hiểm nhất chính là sự mất dần tính tương tác. Ông nói thêm: “Tương tác giữa các loài có lẽ còn quan trọng hơn đặc tính của loài.”.
Để chứng minh điều đó, Hansen cùng những đồng nghiệp của ông đã thực hiện một nghiên cứu về loài cây Syzygium mamillatum, một loài cây địa phương đang bị đe dọa tuyệt chủng thuộc khu vực quản lý bảo tồn ở Công viên Quốc gia Black River Gorges nằm trên đảo chính của Mauritius. Hàng năm, một vài cây S. mamillatum còn sống sót cho ra nhiều quả lớn, đặc biệt hấp dẫn loài rùa Aldabra ở đảo Ile aux Aigrettes. Hansen và đồng nghiệp đã cho rùa ăn quả S. mamillatum và nhận thấy hạt giống được phát tán nhờ những cá thể rùa này đã cho ra đời những cây giống khỏe hơn, sống dai hơn các cây khác không được phát tán bằng cách này.
Theo Hansen, rùa là loài vật lý tưởng với vai trò sinh thái này vì chúng dễ nuôi, dễ kiểm soát, dễ thích nghi và ít có nguy cơ phát tán bệnh cho động vật bản địa.
Thận trọng khi sử dụng các loài du nhập
Nghiên cứu ở Pantanal – một miền đồng cỏ rộng lớn thuộc Brazil, Bolivia và Paraguay – phát hiện ra rằng những chú lợn hoang dã phát tán được 15 loài thực vật bản địa, trong khi loài heo vòi, động vật có vú bản địa lớn nhất còn sống sót tại đây, phát tán được con số khiêm tốn hơn – 11 loài. Mặc dù vậy, lợn hoang dã vẫn là một loài vật cần cân nhắc có nên dùng làm loài tái du nhập hay không vì chúng sinh sôi nhanh và thường mang mầm bệnh.
Nói tóm lại, việc tái phục hồi những loài động vật lớn chính là mấu chốt để duy trì các hệ sinh thái đa dạng và rộng mở. Trong một vài trường hợp – giống như đảo quốc Mauritius, nơi các loài động vật ăn quả đã biến mất vĩnh viễn – người ta có thể sử dụng những loài du nhập để thay thế (trừ các giống ngoại lai).
Hansen thậm chí còn đề nghị đưa loài rùa Aldabra tới Hawaii thay thế loài Moa-nalo (Thambetochen xanion), một loài vịt có mỏ với hình thù kỳ dị đã tuyệt chủng cách đây khoảng 1.000 năm. Những mẫu hóa thạch chứng minh Thambetochen xanion có đời sống và thức ăn giống loài rùa. Do đó, dùng những chú rùa lớn thay vì sử dụng những chú ngỗng ngoại lai để lấp đầy khoảng trống của moa-nalo sẽ có lợi hơn trong việc loại trừ nguy cơ lây truyền bệnh từ ngỗng sang các loài chim bản địa.
Có lẽ một số nhà bảo vệ môi trường nhìn nhận việc sử dụng các loài tái du nhập chỉ mới là một bước khởi đầu. Song, bằng chứng từ các nghiên cứu cùng những nỗ lực phục hồi thực vật khắp nơi trên thế giới đã cho thấy rằng “sử dụng thận trọng các loài chim, thú tái du nhập trong tương lai có thể sẽ là một công cụ hữu hiệu cho các nhà sinh thái học”.