ThienNhien.Net – Thủy điện Tuyên Quang, công trình thủy điện lớn thứ ba miền Bắc sau nhiều năm xây dựng và hoạt động đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu tình trạng thiếu điện mùa khô và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi thiết thực, dự án này cũng phát sinh không ít những tồn tại. Bất cập lớn nhất nằm trong công tác di dân tái định cư. Sau gần 9 năm thực hiện, công tác này vẫn chưa làm hài lòng hầu hết số người phải tái định cư, trong đó có cả hàng chục hộ dân ở khu tái định cư Đồng Chằm thuộc thôn Đồng Chằm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.
Con đường nhỏ dẫn tới Đồng Chằm vẫn như xưa, quanh co, đầy bụi, thỉnh thoảng lẩn khuất sau những rặng đồi. 38 hộ dân tái định cư nơi đây sau nhiều năm sinh sống vẫn không đổi khác là mấy, họ vẫn ở trong những căn nhà bé nhỏ, tối và ẩm thấp bên cạnh một vài đám ruộng khô…
Thiếu đất canh tác, nhiều hộ bỏ xứ đi làm thuê
Theo chủ trương và chính sách của chính phủ, mỗi hộ gia đình thuộc diện tái định cư từ dự án Thủy điện Tuyên Quang sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đủ để xây dựng một căn nhà và một khoản tiền đủ sống và sinh hoạt trong thời gian 6 tháng kể từ sau ngày tái định cư. Tuy nhiên, số tiền mà nhiều hộ tại Đồng Chằm nhận được trên thực tế không nhiều, chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 triệu đồng.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, mỗi hộ tái định cư ở Đồng Chằm chỉ nhận được 200 m2 đất làm nhà ở và 400 m2 đất trồng lúa trong hai vụ. Với diện tích canh tác này, không ít hộ rơi vào cảnh thiếu ăn, đói kém.
Ông Đinh Công Hưng, 72 tuổi ở Đồng Chằm tâm sự: “Năm nào may mắn không mất mùa, tằn tiện lắm thì mới đủ ăn. Bà con muốn có thêm đất để canh tác, trồng thêm rau xanh, cây hoa màu nhưng không có nên đành chịu”.
Anh Đinh Văn Liên quê ở bản Chợ, Yên Hoa, Na Hang cũng giãi bày: “Ở quê cũ gần chợ nên vợ vẫn buôn bán, chồng vẫn đánh cá được. Giờ chuyển lên đây thấy thiếu thốn trăm bề, còn con cái học hành, rồi không biết lấy gì mà sống”…
Tình trạng thiếu đất canh tác, không có thu nhập từ nghề phụ đang khiến cuộc sống của hộ ông Hưng, anh Liên và nhiều gia đình khác ở khu tái định cư Đồng Chằm rơi vào cảnh bế tắc, không ít nhà đã phải bỏ xứ đi làm ăn xa, nhiều gia đình quyết định quay trở về quê cũ (huyện Na Hang) để làm thuê làm mướn. Hiện số hộ và số nhân khẩu ở Đồng Chằm chỉ đếm trên đầu ngón tay vì nhiều nhà trong thôn đã cửa đóng then cài từ lâu, nhà cửa để rong rêu, cỏ dại mọc đầy vì không có người ở.
Không dám ở khu tái định cư vì sụt, lún
Không chỉ phải đối mặt với miếng cơm manh áo hàng ngày, một số hộ dân nơi đây cũng đang phải sống trong nỗi lo vì nhà cửa sụt lún, nứt nẻ. Riêng hộ anh Đinh Văn Liên phải chịu cảnh màn trời chiếu đất trong suốt nửa năm chỉ vì nhà nứt nên không dám vào ở. Nhà anh Vũ Văn Lâm ở kế bên cũng “tự nhiên” xảy ra hiện tượng tương tự khiến cả nền nhà và khu vực sân đều bị lún, các thành viên gia đình thì nơm nớp lo sợ. Hiện có hơn 5 nhà ở Đồng Chằm đang trong tình trạng sụt, lún.
Trao đổi vấn đề này với ông Hà Trường Thành, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, ông cho biết, việc nền nhà nhiều hộ dân ở Đồng Chằm bị nứt, lún, sụt là do đội quản lí san lấp mặt bằng chưa lu, đầm kĩ trước khi bàn giao mặt bằng cho dân. Trong khi đó, khi được đặt câu hỏi tương tự, ông Trần Hồng Luyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn khẳng định mình chưa hay biết thông tin này.
Theo quan sát của chúng tôi, tuy chỉ nằm cách trung tâm xã Tứ Quận chỉ gần 2 km nhưng đời sống thôn Đồng Chằm nếu đem so sánh với các thôn kế cạnh thì khác xa một trời một vực. Tính từ thời gian bắt đầu hình thành khu tái định cư đến nay đã hơn 10 năm nhưng những đổi thay ở nơi đây hầu như không đáng kể. Đường xá vẫn chưa được mở rộng; điện còn quá yếu và thiếu so với nhu cầu của người dân; nhà máy nước thì xuống cấp trầm trọng: máy móc hoen gỉ, không có hệ thống che chắn, nắp đậy, nước không đảm bảo vệ sinh và không ít lần “chết khát”.
Vậy nhưng, khác với những gì mắt thấy tai nghe, ông Hà Trường Thành khi nhận định về tình hình đời sống người dân khu tái định cư Đồng Chằm vẫn nhất mực khẳng định: “Đời sống bà con khu tái định cư rất ổn định, hòa nhập với tình hình phát triển kinh tế chung của toàn xã. Nhiều hộ còn mua được xe máy, xây được nhà”.
Thực tế, Đồng Chằm nói riêng và nhiều khu tái định cư dự án Thủy điện Tuyên Quang nói chung vẫn rất cần nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp ban ngành địa phương nhằm giúp người dân ổn định đời sống, phát triển sinh kế. Cần tránh tình trạng tái định cư theo kiểu “đem con bỏ chợ” khiến những bất cập cứ mãi kéo dài!