ThienNhien.Net – Sản phẩm đầy sáng tạo của Dan Nocera và các cộng sự tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ hứa hẹn mang lại nguồn năng lượng thắp sáng tuyệt vời cho các gia đình nghèo ở các quốc gia đang phát triển. Mỗi gia đình có thể trở thành một trạm điện nếu hàng ngày sử dụng “lá nhân tạo” đặc biệt này.
Từ hơn một thập niên qua, các nhà khoa học đã nung nấu ý định tạo ra một loại “lá nhân tạo” đặc biệt có thể sử dụng ánh sáng mặt trời để tách nước thành hydro và oxy, sau đó lưu trữ các khí này trong một pin nhiên liệu để tạo ra điện. Trên thực tế, loại thiết bị này từng được Phòng thí nghiệm Quốc gia về Năng lượng Tái tạo, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ chế tạo và thử nghiệm nhưng chúng sử dụng hầu hết các kim loại đắt tiền và thời gian hoạt động chỉ kéo dài được vỏn vẹn một ngày.
“Chiếc lá đặc biệt” của MIT thì khác, chúng có kích thước chỉ bằng một quân bài (nhưng mỏng hơn) và được làm bằng silicon, điện tử kèm chất xúc tác niken và cobalt – vốn là những vật liệu rẻ tiền và dễ kiếm. Khi được đặt trong một gallon (3,78 lít) nước dưới ánh sáng mặt trời, thiết bị có thể sản xuất ra nguồn điện đủ để một hộ gia đình ở một nước đang phát triển dùng trong một ngày. Thậm chí, chúng có thể dự trữ năng lượng ngay khi không được mặt trời chiếu sáng.
Theo Ts. Nocera, Trưởng nhóm nghiên cứu, khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, “lá nhân tạo” có thể hoạt động liên tục trong vòng ít nhất 45 giờ mà không hề bị gián đoạn. Đặc biệt, việc phát hiện ra hai loại chất xúc tác niken và cobalt cho phép “lá nhân tạo” hoạt động với hiệu suất gấp 10 lần lá tự nhiên. Ông tin rằng, các kết quả sẽ còn tăng cao gấp bội với các phiên bản “lá nhân tạo” trong tương lai và thực tế Nocera đã lập ra Công ty mang tên Sun Catalytix để theo đuổi sự phát triển của công nghệ sản xuất thiết bị này.
“Chúng tôi tin chúng tôi làm được điều đó. “Lá nhân tạo” sẽ cung cấp nguồn điện năng rẻ tiền dành cho những gia đình nghèo ở các nước đang phát triển. Và mục tiêu của chúng tôi là làm cho mỗi gia đình trở thành một trạm điện độc lập” – Nocera khẳng định.