ThienNhien.Net – Hội thảo Phụ nữ ASEAN Thích nghi với Môi trường Biến đổi Khí hậu (ASEAN Women Adapt to Climate Change Surroundings) tại Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF) diễn ra ngày 04/5 vừa qua đã đi đến kết luận rằng phụ nữ ở Đông Nam Á chưa sẵn sàng đương đầu với tác động của biến đổi khí hậu.
Có thể thấy điều này từ cuộc sống của chính những phụ nữ làm công việc lao động chân tay như nông dân hay ngư dân… – những người quanh năm phụ thuộc vào tự nhiên và điều kiện thời tiết để sinh nhai. Biến đổi khí hậu khiến cho nhóm phụ nữ này ở ASEAN buộc phải tìm kiếm thêm công việc khác ngoài công việc trước đây của họ. Và trong nhiều trường hợp chịu tác động của biến đổi khí hậu, gánh nặng lớn nhất mà người phụ nữ phải đối mặt là việc lo miếng ăn cho gia đình.
Tuy nhiên, trong thực tế, các chương trình giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu lên vai phụ nữ nói chung đều chưa được chú trọng và khu vực ASEAN không phải ngoại lệ.
“Chúng tôi thừa nhận rằng, việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu không hề cân bằng về giới”, ông Risma Umar, một trong những người phát ngôn tại Hội thảo khẳng định. Khi xảy ra hiện tượng biến đổi khí hậu, người phụ nữ phải hứng chịu những tác động nặng nề một cách bất công. Các tiến trình giảm nhẹ tác động hiện có từ cấp quốc gia đến quốc tế đều bất cân xứng về giới.
Trước thực trạng trên, một số nước bao gồm cả các nước ASEAN đã đề ra nhiều giải pháp, nhưng có vẻ không mấy khả thi. Điều đáng lưu ý là nhân quyền lại không được dùng làm cơ sở trong các cuộc bàn thảo, thương lượng.
Đơn cử, những người phụ nữ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số luôn đứng trước các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng đất bởi họ sống dựa vào đất đai, với nguồn lương thực và thuốc men lấy trực tiếp từ tự nhiên. Theo thời gian, họ đã tích lũy được những kinh nghiệm riêng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và các chính sách cấp địa phương thường bỏ quên những người dân này và họ thường không nhận thức được rằng các chính sách của chính phủ đã đi vào cuộc sống của họ.
Diễn đàn Nhân dân ASEAN năm 2011 (APF-7) tại Indonesia
Chính thức diễn ra từ ngày 03 đến 05/5/2011 tại Thủ đô Jakarta (Indonesia), Diễn đàn Nhân dân ASEAN năm 2011 (APF-7) hướng trọng tâm vào chủ đề “Tiến tới một ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm, vì một cộng đồng công bằng toàn cầu”, tiếp tục lấy mục tiêu thúc đẩy quá trình hội nhập nội khối ASEAN, xây dựng một ASEAN hướng tới nhân dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với vị trí ngày càng được mở rộng.
Cũng như truyền thống từ các diễn đàn trước đó, APF-7 là cơ hội để người dân bày tỏ nguyện vọng và mong muốn của mình với lãnh đạo chính phủ. Dựa trên 17 chủ đề đã đề xuất qua các hội nghị trù bị, Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 7 tiếp tục xoay quanh các vấn đề về tài nguyên thiên nhiên, người dân tộc thiểu số, giới và quyền phụ nữ, biến đổi khí hậu, quyền trẻ em, người khuyết tật, thúc đẩy dân chủ, thanh niên, tự do dân sự, di cư, lao động, cải cách nông nghiệp, công lý môi trường, xung đột vũ trang… Kết quả cuối cùng của Diễn đàn sẽ nằm trong tuyên bố chung gửi tới Hội nghị Cấp cao ASEAN. |