ThienNhien.Net – Trong Báo cáo Bền vững (Sustainability Report) mới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ cho các dự án và chương trình phát triển bền vững về môi trường ở các quốc gia thành viên.
Tăng cường đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu
Báo cáo Bền vững thứ ba được ADB công bố đã cụ thể hóa hàng loạt giải pháp triển khai nhằm thúc đẩy tính bền vững về môi trường, tăng trưởng kinh tế và hệ thống quản trị ở châu Á – Thái Bình Dương trong hai năm 2009 và 2010.
“Báo cáo nhấn mạnh cách thức để ADB tiếp tục gặt hái thành công trong việc thúc đẩy tính bền vững về môi trường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và giảm các tác động lên hệ sinh thái”, ông Nessim Ahmad, Giám đốc về Môi trường và Bảo trợ xã hội của ADB cho hay.
Đặc biệt, tăng cường đầu tư cho các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm mà ADB hướng tới nhằm giúp các nước thành viên đang phát triển đi theo hướng tăng trưởng ít các-bon và thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ADB cũng hỗ trợ các thành viên đẩy mạnh tính bền vững của nông nghiệp và hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên, xây dựng mới cơ sở hạ tầng hợp vệ sinh và mạng lưới cung cấp nước, cũng như ứng phó hiệu quả hơn với các thảm họa tự nhiên.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng ghi nhận các nỗ lực hiệu quả của ADB trong việc giảm dấu chân các-bon và bảo tồn tài nguyên, chẳng hạn như sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm góp phần giảm lượng khí thải nhà kính và lượng tiêu dùng nước, điện, giấy…
Những bước tiến trong quá trình thực hiện Tuyên bố Chính sách Bảo trợ xã hội (SPS) nhằm gia tăng tính bền vững cho các dự án của ADB cũng được báo cáo trên đặc biệt nhấn mạnh.
Tiếp tục mục tiêu cải thiện nguồn nước và thúc đẩy năng lượng sạch
Ngày 05/5, tin từ ADB cũng cho biết, Chính phủ Australia đã quyết định cung cấp một khoản viện trợ 21,584 triệu đô la Australia để Ngân hàng này tập trung đầu tư cải thiện nguồn nước và các sáng kiến về năng lượng sạch tại châu Á – Thái Bình Dương.
Trong số đó, 15 triệu đô la Australia được Chính phủ Australia đóng góp cho Quỹ Đối tác Tài trợ về Nước (Water Financing Partnership Facility) – một tổ chức ra đời năm 2006, với mục tiêu là ngày càng nhiều người dân khu vực châu Á – Thái Bình Dương được sử dụng nguồn nước sạch và được tiếp cận với các điều kiện sống hợp vệ sinh, hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc tưới tiêu và quản lý nguồn nước ở các lưu vực sông vì sự tăng trưởng bền vững và cải thiện môi trường.
Khoản viện trợ 6,584 triệu đô la Australia được dành để đầu tư cho Quỹ Đối tác Tài trợ về Năng lượng sạch (Clean Energy Financing Partnership Facility – CEFPF) trong vòng 3 năm từ 2011 – 2013. Thành lập năm 2007, CEFPT theo đuổi mục tiêu củng cố an ninh năng lượng ở các nước thành viên đang phát triển và giảm nguy cơ biến đổi khí hậu.
Hoan nghênh quyết định tài trợ của Chính phủ Australia, người đứng đầu Văn phòng điều hành Đồng tài trợ – ông Tadashi Kondo phát biểu: “Những đóng góp giá trị của Australia đối với Quỹ Đối tác Tài trợ về Nước và Quỹ Đối tác Tài trợ về Năng lượng sạch rất đáng trân trọng bởi điều này sẽ hỗ trợ đắc lực cho ADB trên con đường thực hiện mục tiêu giúp 200 triệu dân được dùng nước sạch và các điều kiện sống hợp vệ sinh, chuyển giao cho 40 triệu người những thiết bị tưới tiêu tốt hơn, triển khai công nghệ mới về năng lượng sạch, giảm bớt các rào cản trong việc tiếp cận những công nghệ mới liên quan tới năng lượng sạch, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ việc đưa các chương trình năng lượng sạch đến những vùng cần chúng nhất”.
Nằm trong mục tiêu này, ngay trong ngày 05/5, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda đã ký kết với Chính phủ Việt Nam gói hỗ trợ tài chính trị giá 1,38 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD được dành để tạo cơ hội cho hơn 3 triệu gia đình tại các thành phố của Việt Nam được tiếp cận nguồn nước sạch trong khuôn khổ dự án Dự án Chương trình phát triển ngành nước Việt Nam. Khoản vốn còn lại dành cho chương trình bảo vệ rừng và giải quyết các vấn đề đô thị.
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong 4 ngày (từ ngày 3 – 6/5) với sự góp mặt của khoảng 3.600 đại biểu và khách mời đến từ khu vực châu Á và thế giới; trong đó có lãnh đạo các chính phủ, thống đốc các ngân hàng trung ương, bộ trưởng kinh tế – tài chính của 67 quốc gia, lãnh thổ thành viên của ADB. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các tổ chức tài chính quốc tế; khu vực tư nhân với các tập đoàn tài chính, doanh nghiệp đa quốc gia, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân sự xã hội, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước…
Hội nghị tập trung thảo luận hàng loạt các vấn đề như: an ninh lương thực, mô hình tăng trưởng, đối phó sự bất ổn của các dòng vốn nóng, phát triển hạ tầng, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, biến đổi khí hậu… |