ThienNhien.Net – Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN dự kiến diễn ra tại Indonesia ngày 7-8 tới đây, Liên minh Cứu sông Mê Kông đã gửi tới ASEAN lời kêu gọi hành động ngay lập tức để hủy bỏ dự án thủy điện Xayaburi ở Bắc Lào. Liên minh cũng kêu gọi chính phủ Lào dừng các hoạt động xây dựng tại vùng dự án, đồng thời kêu gọi chính phủ Thái Lan hủy bỏ kế hoạch mua điện từ con đập này.
Theo Liên minh Cứu sông Mê Kông, nếu được xây dựng, con đập đầu tiên trên dòng Mê Kông này có thể “sẽ gây ra những xung đột xuyên biên giới nghiêm trọng giữa các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là khu vực Mê Kông”.
Trước đó, phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hiệp thuộc Ủy hội Mê Kông (MRC) đã thống nhất rằng dự án Xayaburi sẽ được quyết định ở cấp bộ trưởng, khi Thái Lan, Campuchia và Việt Nam bày tỏ quan ngại về các tác động xuyên biên giới và các lỗ hổng kiến thức đòi hỏi các nghiên cứu sâu và tham vấn rộng hơn.
Trong cuộc hội đàm tại Phnom Penh ngày 23/4, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia cũng thể hiện quan ngại sâu sắc về các tác động của dự án này, trong đó có tác động đến năng suất lúa và nguồn cá, đồng thời đề nghị chính phủ Lào và Thái Lan thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về các tác động tới hạ nguồn.
Tuy nhiên, theo một bài phóng sự điều tra đăng tải trên Bangkok Post ngày 17/4 thì công việc thi công tại khu vực dự án Xayaburi đã được khởi động. Thêm nữa, sau cuộc họp của MRC ngày 19/4, công ty Ch. Karnchang của Thái Lan cũng tuyên bố rằng họ đang trông đợi chính phủ Lào thông qua dự án này trong vòng 30 ngày.
Theo Liên minh Cứu sông Mê Kông, việc công ty Ch.Karnchang khăng khăng xúc tiến dự án này ngay lập tức là đối lập với quan điểm mà chính phủ Thái Lan đã thể hiện tại cuộc họp Ủy ban Liên hiệp MRC. Các hành động xúc tiến dự án Xayaburi “đi ngược lại với cam kết khu vực của các chính phủ trong hợp tác chia sẻ dòng Mê Kông, phớt lờ những bằng chứng khoa học rộng rãi về tác động môi trường- xã hội nghiêm trọng của dự án, bác bỏ các yêu cầu hủy bỏ dự án của xã hội dân sự và công chúng, đồng thời sẽ là nguy cơ gia tăng căng thẳng trong khu vực.”
Nhấn mạnh rằng con đập Xayaburi – một dự án đầu tư xuyên biên giới giữa Thái lan và Lào sẽ đe dọa môi trường, an ninh khu vực và cuộc sống của hàng trăm nghìn người, Liên minh Cứu sông Mê Kông đề nghị ASEAN kêu gọi chính phủ Lào hủy bỏ dự án này và kêu gọi chính phủ Thái Lan cam kết không mua điện từ con đập.
Đồng thời, Liên minh cũng đề nghị ASEAN, với tư cách là một cơ chế hợp tác khu vực, nhìn nhận đập Xayaburi và các con đập khác trên dòng chính Mê Kông là các dự án có nguy cơ cao tạo ra các tác động xuyên biên giới không thể phục hồi và rằng chúng không thể có chỗ trong tương lai phát triển của ASEAN. Đặc biệt, vai trò của các chính phủ và khu vực tư nhân trong những dự án như vậy cần được đánh giá lại theo khuôn khổ của các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Liên minh cứu sông Mê Kông cũng đề xuất Ủy ban Liên chính phủ về Quyền con người ASEAN (AICHR) điều tra về dự án này.
Liên minh nhấn mạnh: “Từ năm 2009, các nhóm xã hội dân sự từ các nước thành viên ASEAN đã kêu gọi thiết lập Trụ cột chiến lược Thứ tư về Môi trường (Fourth Strategic Pillar on the Environment) qua các Hội nghị xã hội dân sự ASEAN (ACSC), nay là Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF). Việc chúng tôi kêu gọi ASEAN hành động để hủy bỏ con đập Xayaburi chứng minh cho sự cần thiết của việc thiết lập Trụ cột chiến lược về môi trường…”