ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây của Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng những cánh rừng đước ven biển dự trữ nhiều các-bon hơn hầu hết các cánh rừng khác trên Trái đất. Phát hiện này được đăng tải trên tờ Tạp chí điện tử Nature Geoscience.
Nhóm nghiên cứu đến từ các trạm nghiên cứu phía Bắc và Tây Nam Thái Bình Dương trực thuộc Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ, Đại học Helsinki và Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Rừng đã tiến hành kiểm tra hàm lượng các-bon của 25 rừng đước trải dọc vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và nhận thấy rằng mỗi héc-ta rừng đước dự trữ nhiều gấp 4 lần lượng các-bon ở các khu rừng nhiệt đới khác trên thế giới.
Theo nhà nghiên cứu sinh thái thuộc Trạm Nghiên cứu Tây Nam Thái Bình Dương ở Hilo, Hawaii, ông Daniel Donato, “loài đước từ lâu đã được biết đến như những hệ sinh thái vô cùng hữu ích, nơi hấp thụ các-bon một cách nhanh chóng, song đến tận ngày nay, người ta vẫn chưa ước tính được con số cụ thể có bao nhiêu các-bon được lưu trữ trong hệ sinh thái này. Đây là điều cần được tính toán bởi khi xảy ra thay đổi trong việc sử dụng đất, rất nhiều các-bon trong các khu dự trữ các-bon đang tồn tại có thể bị thoát ra và hòa vào bầu khí quyển”.
Trên thực tế, cây đước có nhiều các-bon trong đất hơn lượng các-bon trong tất cả sinh khối và đất trồng kết hợp của nhiều khu rừng nhiệt đới. Khả năng tích tụ lượng lớn các-bon của rừng đước dường như là một thuộc tính, ít nhất là với những tầng đất sâu giàu chất hữu cơ mà đước lớn lên. Trung bình những kho dự trữ các-bon dưới bóng đước lớn gấp 5 lần kho dự trữ trong các khu rừng nhiệt đới trên cạn.
Do đó, bên cạnh việc tạo khí thải nhà kính từ hoạt động đốt nguyên liệu, việc chặt phá rừng, đặc biệt là những khu rừng giàu các-bon như rừng đước, cũng góp phần làm tăng thêm lượng khí thải nhà kính. Bất ngờ trước số lượng các-bon mà những cây đước đang bị chặt phá giải phóng ra, ông Donato đã kiến nghị đưa loài đước trở thành “ứng cử viên” cho các chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng cách giảm tỷ lệ chặt phá rừng đước tại các khu vực phù hợp với mục tiêu quản lý địa phương.
Cũng theo phát hiện của nhóm nghiên cứu trên, thời gian gần đây, những đợt chặt phá rừng đước diễn ra liên tiếp trên khắp thế giới khiến số lượng rừng đước trong vòng 50 năm bị sụt giảm tới 30 – 50%. Việc chặt phá đước dẫn đến hiện tượng tăng lượng thải khí thải nhà kính, làm mất đi 20 – 120 tấn mỗi năm, tương đương với 10% lượng thải các-bon từ các vụ phá rừng trên toàn cầu.