ThienNhien.Net – Lái ô tô mà không có bảo hiểm sẽ bị coi là hành vi phạm luật, trong khi đó 443 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động rải rác khắp thế giới lại hầu như không có khoản bảo hiểm tương xứng nào.
Khoảng cách xa giữa mức bảo hiểm và tổn thất từ các thảm họa
Thảm họa hạt nhân ở nhà máy Fukushima Dai-ichi (Nhật Bản) đã cho chúng ta thấy một trong những mặt trái của ngành công nghiệp này: điện hạt nhân chỉ có thể là một nguồn năng lượng giá rẻ nếu các nhà máy điện không được bảo hiểm. Và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima trên thực tế không hề có bảo hiểm tai nạn.
Hiện vẫn chưa có con số rõ ràng về tổn thất mà nhà máy Fukushima Dai-ichi phải gánh chịu sau trận động đất, sóng thần ngày 11/3 ở Nhật Bản, song cổ phần của đơn vị điều hành TEPCO đã bị chao đảo và các nhà phân tích cho rằng – cuối cùng thì đơn vị có mức nợ cao nhất trong số những công ty ở các nước công nghiệp trên thế giới – có lẽ phải tiến hành quốc hữu hóa và gánh lấy những khoản nợ khổng lồ.
Có thể nói, chính phủ các nước sử dụng năng lượng hạt nhân đang đứng trước mâu thuẫn giữa lợi nhuận nhờ khoản điện năng chi phí thấp và rủi ro xảy ra một thảm họa hạt nhân có thể tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la, thậm chí dẫn tới phá sản cả một đất nước.
Tình trạng này giống hệt như một canh bạc: các chính phủ hy vọng có thể tránh một thảm họa hạt nhân trong khi họ tích lũy các khoản lợi nhỏ về lâu dài. Tuy nhiên, xét về phương diện tài chính, các sự cố hạt nhân có thể gây tổn thất đến mức làm cho khoản phí bảo hiểm trở nên quá cao và khi đó năng lượng hạt nhân chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn nhiên liệu hóa thạch.
Đơn cử, tổn thất của tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất tại một nhà máy ở Đức ước tính lên tới con số 11 nghìn tỷ đô la, trong khi khoản bảo hiểm bắt buộc dành cho lò phản ứng hạt nhân này chỉ có 3,65 tỷ đô la.
Về điều này, nhà kinh tế học của trường Đại học Flensburg, đồng thời cũng là một thành viên của Ban Tư vấn Môi trường của Chính phủ Đức, ông Olav Hohmeyer đã chua chát nói: “3,65 tỷ đô la sẽ chỉ đủ để mua tem dán lên những lá thư chia buồn mà thôi”.
Tình trạng tương tự cũng đang tồn tại ở các nhà máy hạt nhân tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp và nhiều quốc gia khác.
Riêng ở Thụy Sĩ, bảo hiểm bắt buộc đối với các nhà máy hạt nhân đang được nâng từ 1 lên 1,8 tỷ frăng Thụy Sĩ (2 tỷ đô la), song một cơ quan chính phủ lại ước tính rằng một thảm họa như Chernobưn sẽ gây tổn thất tới 4 nghìn tỷ frăng — bằng khoảng 8 lần sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước này.
Bảo hiểm hạt nhân ở Đức là 17 triệu đô la mỗi năm, nghĩa là 0,015 cent trên mỗi kilowatt giờ điện, một con số rất nhỏ so trong mức giá 32 cent mà khách hàng phải chi trả. Theo bà Bettina Meyer ở tổ chức Green Budget Germany (GBG), nếu tăng phí bảo hiểm lên 146 tỷ đô la/năm thì mức phí bảo hiểm cho mỗi kilowatt giờ điện sẽ vào khoảng 4,67 đô la.
Trung Quốc, nơi chịu sức ép quốc tế về cắt giảm lượng sử dụng than đá và khí thải các-bon, đang “đánh cược” với điện hạt nhân để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng đang tăng của đất nước này. Tuy nhiên, mức bảo hiểm của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Trung Quốc chỉ xoay quanh con số 300 triệu nhân dân tệ (46 triệu đô la) và 800 triệu nhân dân tệ từ Chính phủ để bồi thường cho những nạn nhân của thảm họa. Dù nhìn theo cách nào, những con số ấy vẫn quá là ít ỏi.
Sang tới nước Mỹ, nơi chưa có lò phản ứng hạt nhân mới nào được lên kế hoạch và hoàn thành kể từ tai nạn tại nhà máy hạt nhân Three Mile Island năm 1979, khoản bảo hiểm bắt buộc theo luật pháp quy định cũng chỉ ở mức 375 triệu đô la/nhà máy.
Còn một quốc gia có 58 lò phản ứng hạt nhân rải khắp lãnh thổ như Pháp lại chỉ yêu cầu các nhà máy điện hạt nhân đóng một khoản bảo hiểm 133 triệu đô la và thêm 333 triệu đô la bảo lãnh từ chính phủ.
Ở Anh, Nga và Cộng hòa Séc, mức bảo hiểm hạt nhân cũng không hơn các nước khác.
Bảo hiểm sẽ khiến điện hạt nhân không còn hiệu quả về kinh tế
Một tai nạn hạt nhân lớn thường ít có khả năng xảy ra, nhưng chỉ trong vòng 30 năm, thế giới đã phải hứng chịu ba thảm họa lớn – Three Mile Island, Chernobưl và giờ là Fukushima.
“Những rủi ro về hạt nhân trên khắp toàn cầu – có thể là sự hỏng hóc của các nhà máy hoặc nguy cơ mắc các khoản nợ khổng lồ do các tai nạn phóng xạ – đều đè nặng lên vai nhà nước. Ngành bảo hiểm tư nhân ít phải gánh trách nhiệm”, ông Torsten Jeworrek, một chuyên gia thuộc Munich Re – một trong những doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất thế giới, phát biểu.
Nhiều nước coi năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng thay thế các nguyên liệu hóa thạch mặc dù ngay lúc này vẫn chưa có giải pháp nào xử lý vĩnh viễn chất thải phóng xạ.
Tất nhiên các chính phủ có thể áp dụng phương thức nâng mức đóng bảo hiểm nhằm bảo vệ người đóng thuế khỏi những phí tổn khổng lồ, song điều đó sẽ làm tăng chi phí năng lượng hạt nhân. Và vì vậy, quyết định duy trì bảo hiểm cho các nhà máy hạt nhân ở mức thấp nhất chính là cách họ lựa chọn để hỗ trợ ngành công nghiệp nói trên.
Tuần trước, trong chuyến thăm lò phản ứng Chernobyl ở Ukraine, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, ông Ban Ki-moon đã phát biểu: “Sự thật đáng buồn là chúng ta chắc chắn sẽ còn phải chứng kiến nhiều thảm họa nữa. Với nhiều người, năng lượng hạt nhân là một chọn lựa tương đối sạch và hợp lý trong thời đại ngày càng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, nhưng thực tế đòi hỏi chúng ta phải trả lời một câu hỏi đau lòng: liệu chúng ta đã tính toán hợp lý những rủi ro và tổn thất?”.
Về điều này, ông Hohmeyer khẳng định, nếu các chi phí rủi ro được tính đến thì năng lượng hạt nhân không phải là giải pháp khả thi về mặt kinh tế.
Đa số người dân Đức và các đảng phái chính trị đến nay đều cho rằng những nguy cơ tiềm ẩn từ năng lượng hạt nhân là lớn hơn nhiều so với lợi nhuận có được và nước Đức hiện đang là nước công nghiệp duy nhất quyết tâm từ bỏ điện hạt nhân.