ThienNhien.Net – “Làn sóng” nuôi và thu mua đỉa giờ không chỉ bùng phát ở một vài tỉnh, thành nữa mà đang lan rộng theo phản ứng dây chuyền khắp địa bàn Đồng bằng sông Hồng và vùng lân cận, điển hình là Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Sơn La… Việc người dân đổ xô nuôi đỉa, bắt đỉa đem bán cho Trung Quốc làm thuốc đang tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ khó lường đối với cả người dân và môi trường sinh thái.
Đỉa được Đông y gọi tên “thanh điệt” là loài vật thuộc họ thân mềm sống ở đồng ruộng, kênh mương và là loài chuyên hút máu. Mặc dù Đông y coi đỉa là một trong những vị thuốc giúp thông máu, làm tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng; y học hiện đại dùng đỉa phối chế với nhiều loại thuốc khác để điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu… song đối với nhà nông, đỉa vẫn là sinh vật có hại, là nỗi khiếp sợ của nhiều người.
Tuy nhiên, vì được thu mua với giá cao, có khi tới 10 nghìn đồng/con hoặc 1,3 đến 2 triệu/1kg đỉa “tươi”, rất nhiều nông dân đã gác việc đồng áng, lao vào bắt đỉa, nuôi đỉa đem bán. Cùng với đó, một số người dân khác đứng ra làm chủ đại lý chuyên thu mua đỉađể rồi chuyển qua cho các thương nhân Trung Quốc.
Trước thực trạng đáng báo động này, GS. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, tỏ ra vô cùng lo ngại về tốc độ gia tăng trên diện rộng của việc nuôi đỉa, đồng thời ông cũng cảnh báo về hậu quả khôn lường trong trường hợp thương nhân Trung Quốc không thu mua nữa.
Một khi người dân không thể tiêu thụ được số lượng đỉa họ đang nắm giữ và không kiểm soát được lượng đỉa tràn ra môi trường thì chắc chắn sớm muộn, đỉa cũng trở thành hiểm họa giống như hiện tượng nuôi ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ… mà thôi.