ThienNhien.Net – Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) trên thế giới đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, cuộc chạy đua sản xuất NLSH từ các loại nông sản lại cũng dẫn tới nhiều hệ lụy đối với con người và môi trường, đặc biệt với vấn đề an ninh lương thực. Thực trạng này đòi hỏi các nước phải có những chính sách hợp lý trong sản xuất NLSH, tiến tới giảm thiểu và từng bước ngăn chặn những hậu quả xấu hơn có thể xảy ra.
Lạm dụng nông sản…
Ngoài các chế phẩm từ rác thải hay một số nguyên liệu khác, những năm gần đây, người ta tập trung vào nông sản và coi nó là nguồn chủ yếu dùng để sản xuất NLSH. Trong đó điển hình nhất là cây sắn – một loại cây lương thực quan trọng đối với cả người và gia súc, chỉ xếp sau lúa gạo, ngô và lúa mỳ. Bên cạnh đó, ngô, dầu hạt cải, dầu cọ, mía đường… cũng được sử dụng như những nguyên liệu mới trong quá trình sản xuất NLSH ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Khi các nông sản trên trở thành nguyên liệu quan trọng cho sản xuất NLSH thì chính thị trường NLSH sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển thông qua việc kích thích tiêu thụ nguồn nông sản một cách ổn định và bình ổn giá nông sản ở mức nhất định theo giá sản phẩm năng lượng “xanh”. Đồng thời, nó còn tạo động lực xây dựng mối liên kết gắn bó giữa các nhà máy sản xuất NLSH và người nông dân, góp phần gia tăng đầu tư vào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn ở các nước cung cấp nông sản.
Tuy nhiên, vấn đề sản xuất năng lượng “xanh” từ nguồn nông sản cũng có mặt trái của nó. Quá trình sản xuất NLSH nếu tiêu thụ quá nhiều lượng nông sản các loại, đặc biệt là những cây lương thực quan trọng, sẽ dẫn đến một câu chuyện khác: tỷ lệ nông sản trên thế giới được dùng làm NLSH cứ thế tăng lên theo từng năm.
Trở lại năm 2010, Thái Lan – nước xuất khẩu sắn lớn nhất thế giới – đã xuất khẩu tới 98% sắn khô, nhưng có điều lượng sắn ấy chỉ “tập kết” tới một địa điểm duy nhất là Trung Quốc và hầu hết chỉ nhằm một mục đích là sản xuất ra NLSH. Và nếu ở châu Âu, dầu hạt cải lại trở thành đối tượng thu mua làm nguyên liệu sản xuất NLSH, thì ở nhiều nước khác, điển hình là Malaysia, Brazil, Algeria, Ai Cập, Bangladesh, người ta lại nhắm vào dầu cọ và mía đường…
… và những hệ lụy
Giá lương thực tăng cao
Việc xuất khẩu ồ ạt các loại nông sản trên thực tế đã góp phần thúc đẩy giá lương thực tăng cao. Tất nhiên thực trạng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như thời tiết (hạn hán, lũ lụt, động đất…), sâu bệnh hoành hành… nhưng hiện tại, sản xuất NLSH từ nông sản cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá lương thực.
Điều này không khó lý giải khi nhìn vào một minh chứng tiêu biểu như cây sắn. Theo ông Greg Harris, một nhà phân tích của hãng Nghiên cứu và Tư vấn Commodore tại New York: “Sắn đang trở thành một loại cây trồng ngày càng có giá. Đất nông nghiệp thì có hạn, do đó, càng nhiều sắn dành cho nhiên liệu sẽ càng ít sắn dành cho lương thực”. Hệ quả là càng thiếu lương thực thì giá lương thực càng đắt đỏ, leo thang. Và một khi người dân, nhất là ở châu Phi – nơi mà sắn đã trở thành một phần trong khẩu phần ăn hàng ngày – bị cuốn vào làn sóng trồng sắn thu lợi thay vì trồng các loại hoa màu khác hoặc lúa gạo thì sẽ dẫn đến mất cân bằng về đa dạng cây trồng, ảnh hưởng xấu tới chủng loại nông sản.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) thì năm nay chỉ số giá lương thực đã cao nhất trong suốt hơn 20 năm qua. Con số này thật đáng để người dân các nước, nhất là các nước nghèo, cảm thấy lo ngại.
Nạn đói và những bất ổn về môi trường, chính trị
Đây tiếp tục là một hệ quả từ việc giá lương thực tăng cao. Đối với những nước giàu, giá cả nhích lên một chút, thậm chí tăng đột biến cũng có thể chưa khiến người dân quá lao đao, song với người nghèo dù ở bất cứ đâu thì giá lương thực tăng sẽ nằm ngoài khả năng chi trả của họ. Thêm vào đó, giá cả tăng cao còn đồng nghĩa với việc các tổ chức như FAO sẽ mua được ít lương thực hơn để cứu trợ cho người đói.
Giá cả lương thực đã tăng 15% chỉ trong vòng từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2011 và có khả năng “sẽ có thêm 44 triệu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình rơi vào tình cảnh đói nghèo”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay.
Một hệ quả nữa không thể không kể đến là việc sản xuất NLSH chủ yếu từ nguồn nông sản trong khi không đảm bảo được an ninh lương thực sẽ gián tiếp kích thích tình trạng bạo động cũng như góp phần vào bất ổn chính trị ở các nước nghèo.
Đặc biệt, việc lạm dụng nông sản trong sản xuất NLSH còn đang làm mất đi tính bền vững của môi trường, giảm đa dạng sinh học do chặt phá rừng, lấn đất nông nghiệp, đất thổ cư để lấy nông sản sản xuất NLSH; gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính thông qua quy trình vận chuyển nguyên liệu và chế biến sản phẩm…
Cần những chính sách hợp lý
Dù đứng ở góc độ nào, những hệ quả kể trên không hoàn toàn là do công nghệ mà phần nhiều xuất phát từ chính những chính sách về NLSH của các quốc gia…
Những chính sách về NLSH hiện hành ở các nước đang phát triển đang vô tình tạo điều kiện khuyến khích các phương thức phát triển NLSH thiếu đạo lý và ít đặt ra những động lực thúc đẩy phát triển các loại hình công nghệ mới, hợp đạo lý hơn. Đó là kết luận từ nghiên cứu “Năng lượng sinh học: vấn đề đạo lý” do Hội đồng Đạo đức sinh học Nuffield (Anh) thực hiện.
“Chúng tôi muốn một chiến lược tối ưu, một chiến lược đã tính đến những hệ quả của việc sản xuất NLSH”, bà Joyce Tai, cố vấn khoa học của Trung tâm Innogen – Đại học Edinburgh, người thực hiện nghiên cứu trên, cho biết.
Còn theo Giáo sư Ottoline Leyser, Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) thì thực tế “các nhà nghiên cứu đang phát triển những loại hình NLSH mới ít tiêu tốn đất đai hơn, tạo ra ít khí thải nhà kính hơn và không cạnh tranh với lương thực, song việc sản xuất coi trọng thương mại đã kéo dài nhiều năm. Các chính phủ nên làm nhiều hơn để thúc đẩy nghiên cứu về những loại hình NLSH hợp đạo lý hơn”.
Thế hệ NLSH tương lai có thể sản xuất từ thân cây, từ rơm hoặc các loại cây phát triển nhanh như liễu hoặc lau sậy, thậm chí là tảo… để tránh cạnh tranh trực tiếp với lương thực. Đặc biệt, cần phát triển các công nghệ có khả năng sử dụng toàn bộ các bộ phận của các loại thực vật vào sản xuất để tạo ít phế thải hơn và nhiều năng lượng hơn mà không làm ảnh hưởng đến đất nông nghiệp.
Trong khi không một quốc gia nào muốn từ bỏ NLSH, ông Olivier Dubois – một chuyên gia năng lượng sinh học của FAO và nhiều chuyên gia lương thực đều cho rằng, các nước cần tiến hành sửa đổi chính sách để đặt an ninh lương thực lên hàng đầu, cân nhắc tới các hệ quả khác đối với con người và môi trường khi phát triển NLSH.