ThienNhien.Net – Với địa hình núi đá, không nước, không đất sản xuất, người dân xóm Lũng Mần, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng hàng năm chỉ dám trông chờ vào mấy nương ngô mọc trên đá và nguồn nước mưa tự nhiên.
Trong suốt 6 tháng mùa khô, “vùng đá khát” với gần 400 nhân khẩu này chỉ có duy nhất nguồn nước ít ỏi tích trữ trong các hang, hốc đá, nước sương và cả những giọt nước vót vét từ… gốc chuối để sử dụng. Cũng trong 6 tháng gian nan ấy, người dân nơi đây dường như quên đi việc tắm giặt, họ chỉ có thể vệ sinh thân thể nếu chịu vượt hàng chục km đường rừng sang tận Hà Giang. Việc thiếu nước sạch có lẽ là lí do thuyết phục khiến nhiều người dân nơi đây bị mắc bệnh đường tiêu hóa, tháng 5/2010 Lũng Mần từng xảy ra nhiều trận dịch tả kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của 6 người.
Người dân Lũng Mần quý nước còn hơn ngô, rất nhiều trẻ em trong xóm từ nhỏ đã phải bỏ học, lụi hụi đi bộ hàng chục cây số để xách nước về dùng. Không chỉ thiếu thốn nước sạch, Lũng Mần còn là địa phương “tiêu biểu” cho cái sự nghèo. Mỗi gia đình đều chỉ trông chờ vào mấy nương ngô mọc trên đá kém năng suất, khiến tình cảnh thiếu ăn diễn ra thường xuyên, bữa cơm người Lũng Mần thường chỉ gồm mèn mén kèm ít rau rừng, ít khi họ được ăn một bữa cơm trắng. Đó là chưa kể tới chuyện sinh đẻ thiếu kế hoạch khiến gia đình nào cũng con đàn cháu đống, dẫn tới cảnh đói ăn, thất học…
Thiết nghĩ, đây là một trong nhiều địa phương của Cao Bằng cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp ban ngành lãnh đạo nhằm giúp họ sớm vượt qua cái đói, cái khát, đặc biệt, cần đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án cấp nước đã vốn đã và đang nằm trên giấy bấy lâu nay ở “vùng đá khát” này.