ThienNhien.Net – Tình trạng buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam và tác động của nó đối với hoạt động săn bắn tê giác ở khu vực phía nam Châu Phi là nội dung được phản ánh trong một bộ phim tài liệu sẽ được phát trên kênh truyền hình HDNet tại Mỹ và Canada vào thứ ba tới (26/4).
Trong phim, ông Tom Milliken, Giám đốc Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) khu vực Đông và Nam Phi, đã giải thích sự tồn tại của thị trường sừng tê giác ở Việt Nam là do những lời đồn đại về công hiệu thần diệu của nó trong việc chữa bệnh ung thư. Mặc dù câu chuyện này còn thiếu cơ sở, song nhiều người Việt Nam vẫn chi những khoản tiền khổng lồ vào việc mua sừng tê giác.
Một phân cảnh trong bộ phim tài liệu có hình ảnh đoàn làm phim đến một hiệu thuốc y học cổ truyền ở Việt Nam để hỏi mua sừng tê giác. Người chủ hiệu nhanh tay lôi từ dưới quầy hàng lên một cái sừng và không quên giải thích: “Sừng tê giác phải nghiền ra mới uống được, loại sừng này là thứ thuốc vô cùng giá trị, hiệu quả… thường chỉ những người giàu mới sử dụng thôi”.
Ở một đoạn phim khác, Milliken chỉ rõ rằng chính những du khách Việt Nam lạm dụng các cuộc săn bắn tê giác tại Nam Phi đã dẫn đến những sửa đổi nghiêm khắc trong luật pháp của đất nước này.
Theo nguồn tin cho biết, từ năm 2000 – 2007, trung bình mỗi năm ở Nam Phi xảy ra 12 vụ săn trộm tê giác. Riêng năm 2008, con số đó lên tới 78 vụ và bước sang năm 2010, số vụ săn trộm đã chạm đến một ngưỡng chưa từng có – 333 vụ. Tính từ đầu năm 2011 đến giờ, trên lãnh thổ Nam Phi có hơn 80 con tê giác bị săn trộm.
Tháng 10/2010, với sự hỗ trợ từ TRAFFIC, một đoàn cán bộ của Nam Phi đã tới Việt Nam tham gia các buổi thảo luận cấp cao nhằm tăng cường phối kết hợp thực thi pháp luật giữa hai quốc gia để chấm dứt nạn săn bắt và buôn bán sừng tê giác trong bối cảnh gia tăng nạn buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam.
“Chỉ có điều, một khi sừng tê giác còn tiếp tục có mặt trên thị trường Hà Nội thì cũng đồng nghĩa với việc các nhà chức trách Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ chặn đứng nạn buôn bán bất hợp pháp những sản phẩm từ loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng này”, ông Milliken bày tỏ quan điểm.
Trước thực trạng lan tràn nạn săn bắt tê giác lấy sừng ở khu vực Nam Phi, rất nhiều giải pháp khác nhau đã được đưa ra nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt vấn nạn này. Một trong những giải pháp từng được áp dụng là cưa sừng. Song, điều này không thể làm nhụt chí những kẻ đi săn mà còn có thể khiến tê giác mất đi vũ khí tự vệ. Thêm nữa, giải pháp này còn phải dùng đến nhiều lần trong suốt cuộc đời tê giác mỗi khi sừng mọc trở lại.
Gần đây, có một giải pháp được đề xuất là thay vì sử dụng tài chính vào việc cưa sừng tê giác, người ta sẽ tiêm chất độc vào sừng của chúng. Biện pháp này đã được một nông dân Nam Phi áp dụng vì theo ông, chất độc có thể gây tử vong cho con người nhưng lại không gây hại cho tê giác. Đặc biệt, điều này chỉ cần thực hiện một lần trong suốt cuộc đời tê giác. Đây có vẻ là một biện pháp quyết liệt nhưng là cách duy nhất để ngăn chặn nạn săn trộm và sử dụng sừng tê giác. Với biện pháp này, có thể đặt biển báo ở khu vực sinh sống của tê giác và thông qua các phương tiện truyền thông để cảnh báo rằng sừng tê giác đã bị nhiễm độc, tiêu thụ sừng có thể gây tử vong. Từ đó mới mong ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng của loài động vật nói trên. (Theo Wildlife Extra, 4/2011) |