ThienNhien.Net – Tháng 4 nay là tháng của lo lắng, tháng khiến ĐBSCL khốn đốn vì nước cạn. Trước kia, nước cạn chỉ vì ít mưa nhưng nay thì vì biết bao nguyên cớ, từ phá rừng, xây đập, rồi đến biến đổi khí hậu – lí do chung nhất và cũng khó tranh cãi nhất trong câu chuyện ứng xử thiếu chuẩn mực của con người đối với thiên nhiên. Hậu quả là lượng nước ngọt ngày càng khan hiếm, nước mặn “không mời mà đến”, xâm nhập mạnh vào đất liền gây thảm cảnh mất mùa, hoang hóa, dân tình đói kém, khó khăn.
ĐBSCL, nơi được coi là vựa lúa, vựa thủy sản và cây ăn trái lớn nhất ba miền đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt và xâm nhập mặn kéo dài trầm trọng. Bản báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tỏ ra thuyết phục khi dự báo, từ tháng hai đến tháng năm năm nay, nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL khoảng 70 km, mực nước sông và mực nước nội đồng xuống thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Và thực tế đã có đến hàng chục ngàn ha lúa chết trắng, hàng trăm ngàn ha khô hạn và bị nước mặn bao vây, tập trung nhiều tại Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre và Hậu Giang.
Không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất, người dân ven biển ĐBSCL còn điêu đứng vì cạn nguồn nước ngọt dùng trong sinh hoạt. Tại một số địa phương thuộc tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An, Cà Mau…, người dân thường xuyên phải mua nước về dùng với chi phí đắt đỏ (45.000 – 50.000/m3). Ở một số nơi, nhiều hộ phải bỏ xứ đi luôn vì “tiền nước còn nhiều hơn tiền gạo”.
Không ít hộ ở Tiền Giang, Bến Tre rơi vào thảm cảnh này bởi nước cạn đồng nghĩa với việc họ mất đi nguồn sinh kế, không thể tiếp tục canh tác trên đất ruộng, càng không thể theo nghề đánh bắt.
Nhận định về nguyên nhân khô hạn đang diễn ra ngày càng trầm trọng, ông Nguyễn Minh Giám – Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, từ năm 2003 đến nay, do gió mùa tây nam trên sông Mê Kông yếu đi trong khi gió mùa đông bắc lại có xu hướng mạnh lên nên lượng mưa ở khu vực sông Mê Kông ngày càng ít, gây hạn hán, trong khi gió mùa đông bắc mạnh làm nước biển dâng, gây xâm nhập mặn ngày càng rộng.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, nguyên nhân của thực trạng hạn và mặn xâm nhập sâu ở ĐBSCL là do lượng mưa trong lưu vực ít hơn trung bình nhiều năm, các hồ thủy điện ở Trung Quốc vẫn trong giai đoạn tích nước nên ảnh hưởng đến nguồn nước về hạ lưu.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam khẳng định, sự phát triển thiếu kiểm soát, phát triển không bền vững của con người đã góp phần làm trầm trọng thêm sự khô hạn tự nhiên. Tình trạng khai thác rừng, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh ngày càng tăng trong khi biến đổi khí hậu gây ra hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông suy giảm. Việc xây các đập nước trên thượng lưu, kể cả sông nhánh cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kể trên. Và vì nằm ở khu vực hạ lưu nên ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Thêm một thông tin đáng lo ngại được cung cấp bởi Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thì tới năm 2050, dự kiến 4/5 diện tích bán đảo Cà Mau sẽ bị mặn xâm nhập, nhiều diện tích sông Tiền và sông Hậu ở Vĩnh Long, Cần Thơ cũng không thể sử dụng do độ mặn tăng cao. Song song với “giặc” mặn cũng sẽ có hơn 3 triệu ha bị ngập trên 0,5m, chiếm hơn 81% diện tích toàn vùng ĐBSCL. Ngập úng tại các vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt là khu vực kẹp giữa 2 sông Tiền – Hậu sẽ đặc biệt nghiêm trọng… Nước biển dâng đồng thời khiến hệ thống tiêu thoát nước của các thành phố, thị xã Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau càng trở nên khó khăn hơn.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn, các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã đồng thời thông báo lịch thời vụ đến các địa phương, bố trí mùa gieo sạ phù hợp, tiến hành khơi thông, vận hành các kênh, trạm cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Một số nơi còn tổ chức đắp đập trữ nước, phòng mặn,đồng thời kiên cố hóa kênh mương nhằm chống thất thoát nước ngọt trong các hệ thống thủy lợi toàn vùng.
Tại Hội nghị triển khai giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL được tổ chức mới đây tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng khuyến cáo, các địa phương nên chuyển sang trồng các giống lúa chịu mặn, phèn; bố trí lịch thời vụ né hạn, mặn; tập trung cho thủy lợi nội đồng; điều tiết nguồn nước hợp lý để đảm bảo phục vụ sản xuất. Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan khoa học gấp rút rà soát lại công tác quy hoạch thủy lợi cho khu vực ĐBSCL có tính tới tác động yếu tố biến đổi khí hậu để quy hoạch sát với thực tế và có các biện pháp phòng chống có hiệu quả hơn.
Ông Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ góp ý thêm rằng, trước tình trạng môi trường có chiều hướng suy thoái, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL khi triển khai các công trình chống biến đổi khí hậu cần có sự bàn bạc, phối hợp với nhau nhằm phát huy hiệu quả, đồng thời cần góp tiếng nói chung phản đối các công trình thủy điện trên dòng chính thượng nguồn bằng cách “nói không” với việc mua điện từ các dự án này, đồng thời không nên tham gia xây các đập trên sông Mê Kông.