ThienNhien.Net – Từ sau Hội nghị toàn cầu được tổ chức lần thứ 4 tại Doha, Qatar vào năm 2009, Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) phát triển ngày càng mạnh mẽ, trở thành tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu phản ánh hiệu quả nền quản trị và tính minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác tài nguyên. Với những hiệu quả rõ ràng mà Sáng kiến này mang lại, hiện đã có 35 quốc gia thực hiện EITI và nhiều quốc gia giàu tài nguyên khác đang trong quá trình ký kết hiệp định để trở thành ứng viên EITI.
Lợi ích đầy hứa hẹn của EITI
Thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin
Sự thiếu minh bạch trong khai thác tài nguyên đã hạn chế cơ hội của người dân trong việc giám sát nguồn thu của chính phủ cũng như việc sử dụng hợp lý nguồn thu này. Đây cũng là lí do khiến người dân ngờ vực chính phủ của họ cùng các tập đoàn đã bắt tay khai thác, sử dụng bất chính nguồn tài nguyên sẵn có để tư lợi, tạo điều kiện cho nạn tham nhũng gia tăng và hạn chế sự phát triển nền kinh tế đất nước. Trái với sự hồ nghi này, phía các công ty khai thác cho rằng, chính phủ và người dân đã không ghi nhận những đóng góp to lớn của họ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hệ thống thuế, phí cũng như khả năng tạo công ăn việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh đó, EITI mang lại cho chính phủ, các công ty khai khoáng và đông đảo người dân giải pháp đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa các bên thông qua việc đối thoại hợp pháp về hiện trạng quản trị tài nguyên thiên nhiên, đồng thời góp phần xây dựng lòng tin không chỉ đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng ở cấp địa phương mà còn ở cấp quốc gia.
Cải thiện tính hiệu quả của nền quản trị
Tính minh bạch, sự tham gia đầy đủ và được thông tin trong quá trình ra quyết định là những nhân tố không thể thiếu của một nền quản trị tốt. EITI đã giúp tạo ra nền tảng các cuộc thảo luận mở về tình trạng quản trị tài nguyên ở mỗi quốc gia, qua đó cải thiện đáng kể tính hiệu quả của phương thức này.
Thông qua tiến trình thực hiện EITI, nguồn thu của các chính phủ từ tài nguyên sẽ được tư liệu hóa và công bố công khai. Trong đó, việc hiểu biết chính xác về nguồn thu từ tài nguyên, xem xét kỹ lưỡng cách thức nguồn thu này được sử dụng và phân bổ là yêu cầu quan trọng đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn của cải này. Thêm vào đó, thông qua việc cung cấp thông tin chi tiết với sự tham gia đầy đủ của cộng đồng, chính phủ có thể chứng minh lời cam kết xây dựng thể chế công và nền quản trị tốt đáng tin cậy.
Cải thiện môi trường đầu tư
Để tối đa hóa lợi nhuận từ đầu tư và hoạt động kinh doanh, các công ty và các nhà đầu tư đều mong muốn gửi gắm nguồn tiền của mình vào những quốc gia có nền quản trị minh bạch. Là những người nộp thuế, bản thân các công ty/nhà đầu tư này cũng có quyền được tham gia đối thoại với chính phủ về những vấn đề liên quan trong lĩnh vực khai khoáng.
Tại các quốc gia thực hiện EITI như Azecbaidan, Ghana hay Cộng hòa Congo, có thể dễ nhận thấy sáng kiến này đã làm nổi bật vai trò và sự tham gia có ý nghĩa của các công ty/nhà đầu tư trong việc tăng cường hiệu quả cũng như các biện pháp quản lý trong ngành công nghiệp khai thác. EITI cũng đồng thời tạo nên nền tảng cho việc đối thoại giữa các nhà đầu tư/công ty với cộng đồng địa phương, nơi họ có thể công bố minh bạch về những chính sách tài chính và đóng góp xã hội của họ.
Khi các quốc gia thực hiện EITI, sáng kiến này cũng chứng minh sự cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch với nền quản trị được cải thiện, hạn chế tham nhũng và cho phép các công ty/nhà đầu tư thấy được sự ổn định vững bền khi đầu tư vào quốc gia đó. Điều này tất yếu giúp các quốc gia thực hiện EITI thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư từ các công ty/nhà đầu tư lớn thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc quản trị và minh bạch.
Nâng cao vị thế xã hội dân sự
Tài nguyên thiên nhiên là tài sản chung của mỗi quốc gia, không dành để phục vụ mục đích của cá nhân hoặc một nhóm lợi ích nào. Việc loại trừ xã hội dân sự trong quá trình ra quyết định liên quan đến tài nguyên thiên nhiên tất yếu phản ánh nền quản trị yếu, thiếu trách nhiệm giải trình và gia tăng cơ hội cho tham nhũng.
Quy định yêu cầu vai trò thiết kế, giám sát và đánh giá quá trình báo cáo EITI tạo nên nền tảng đảm bảo sự tham gia một cách công bằng, tự do và độc lập của xã hội dân sự đối với chính phủ và các công ty khai thác. Thông qua quá trình này, các tổ chức xã hội dân sự sẽ từng bước cải thiện sự hiểu biết về ngành công nghiệp khai khoáng cũng như được trang bị kỹ năng tốt hơn để giám sát và đảm bảo rằng nguồn thu từ khai thác và buôn bán tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý cho lợi ích cộng đồng. EITI đồng thời cũng giúp tăng cường vị thế cho xã hội dân sự bằng cách cho phép các cá nhân, tổ chức theo dõi, vận động chính sách, tiếp cận và giám sát thông tin liên quan đến nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên, một điều mà hầu như chưa từng có tiền lệ trước đó.
EITI và nhiệm vụ mở rộng phạm vi minh bạch
Gần một thập niên sau ngày công bố, EITI đã có những đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo quyền và lợi ích mà người dân xứng đáng được hưởng từ nguồn tài nguyên thiên nhiên tại chính quốc gia họ. Tuy nhiên, để tối đa hóa những lợi ích từ EITI, cần nâng cao chất lượng các báo cáo EITI tại các quốc gia đang thực hiện, tăng cường sự tham gia EITI của các nền kinh tế giàu tài nguyên mới nổi trên thế giới, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật hiện hành, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của khối xã hội dân sự cũng như sự cần thiết của việc cải thiện các quy định của EITI.
Song song với yêu cầu đó, các tiêu chí của EITI cũng phải được tăng cường theo hướng mở rộng và chặt chẽ hơn. Trong đó, EITI không chỉ tập trung vào việc tăng cường minh bạch mà còn tăng cường khả năng quản trị trong ngành công nghiệp khai thác. Phạm vi minh bạch sẽ được cân nhắc để từng bước mở rộng cho các giai đoạn khác trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Hiện EITI mới chỉ tập trung vào minh bạch việc nhận và chi trả các khoản thu – một bước trong chuỗi giá trị của ngành khai thác. Trong khi một số quốc gia thực hiện sáng kiến này (điển hình là Đông Timor) lại phát hiện ra rằng, vấn đề của họ không nằm ở khâu nhận và chi trả nguồn thu mà nằm ở quá trình đàm phán hợp đồng khai thác hay quá trình phân bổ nguồn thu từ trung ương đến địa phương…
Chính vì lẽ đó, thế giới cần có một cách nhìn nhận đúng đắn và linh động hơn về EITI. Dù “việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên có thể là một công cụ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo và hướng tới phát triển bền vững” là một trong những nguyên tắc đầu tiên của EITI (2003) nhưng không có nghĩa EITI sẽ là giải pháp tuyệt đối và duy nhất để giải quyết “lời nguyền tài nguyên”. Và dù việc thúc đẩy minh bạch nguồn thu là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để đảm bảo rằng sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên sẽ tạo ra lợi ích và góp phần phát triển bền vững một quốc gia. EITI chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình nên chắc chắn nó phải được thực hiện cùng với một loạt những nỗ lực quản trị khác.
Rõ ràng EITI mới chỉ là một tiêu chuẩn tối thiểu, là bước đầu tiên của một quá trình. EITI hiện tại chỉ hi vọng có thể mang đến một tiền lệ, một động lực để thúc đẩy tốt hơn những nỗ lực quản trị khác. Do đó, từng bước mở rộng các nguyên tắc, thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia và khuyến khích sự tham gia của các chính phủ và những bên liên quan khác chính là nhiệm vụ trong những năm tới của EITI.