ThienNhien.Net – Chỉ một ngày trước khi phái đoàn chính phủ của 4 nước thành viên Ủy hội Mê Kông (MRC) họp bàn về quyết định cho đập thủy điện Xayaburi, hôm qua, ngày 18/04, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về dự án này.
Tiếp nối luồng dư luận từ các cuộc tham vấn và thảo luận trước đó tại Việt Nam, buổi Tọa đàm tiếp tục đưa ra những ý kiến quan ngại, những cảnh báo về tác động nghiêm trọng đối với ĐBSCL và các nước hạ lưu nói chung nếu con đập được xây dựng, nhất là khi nó trở thành “phát đại bác khai hỏa” cho chuỗi 12 con đập đã được đề xuất.
Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, cho biết, xét về mặt môi trường và xã hội dự án này sẽ mang lại tác động tiêu cực cho tất cả các nước hạ lưu, kể cả Lào. Bởi lẽ, mặc dù là quốc gia có được lợi ích nhất định về kinh tế với 70% nguồn thu từ điện sau 25-30 năm vận hành đầu tiên, song Lào cũng sẽ là quốc gia gánh chịu nhiều rủi ro.
Rủi ro của Lào xuất phát từ nhiều nguyên do. Thứ nhất vì nguồn điện sản xuất trong dự án này phần lớn sẽ dành để xuất khẩu và như vậy Lào hoàn toàn phụ thuộc vào người mua điện và không thể loại trừ khả năng là các hiệp định mua bán điện sẽ bị thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Lào. Thứ hai, nằm ở hạ lưu, các công trình thủy điện của Lào sẽ chịu ảnh hưởng điều tiết và chuyển nước của các đập thủy điện của Trung Quốc phía thượng nguồn khiến Lào không thể chủ động được nguồn nước. Đó là chưa kể đến nguy cơ động đất và các ảnh hưởng tới sinh thái, sinh kế dân cư khu vực xây đập…
Đối với hạ nguồn nói chung, tác động từ Xayaburi nói riêng và 12 con đập thủy điện dòng chính nói chung sẽ càng trầm trọng hơn vì chúng là các công trình thủy điện không điều tiết, chỉ phục vụ duy nhất mục đích phát điện, không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô.
Trong khi các nước trong lưu vực có thể áp dụng các giải pháp năng lượng thay thế bền vững và thậm chí cả thủy điện dòng nhánh để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và năng lượng, với tất cả những rủi ro và nguy cơ đối với môi sinh đã được cảnh báo, buổi Tọa đàm thống nhất đưa ra kiến nghị hoãn xây đập Xayaburi để tiến hành nghiên cứu bổ sung.