ThienNhien.Net – Mê Kông là một trong những dòng sông lớn nhất thế giới có phần lớn dòng chảy chính chưa bị ngăn đập. Tuy nhiên, bên cạnh chuỗi 8 con đập của Trung Quốc ở phía thượng nguồn đã và đang được xây dựng, đề xuất thủy điện đầu tiên của Lào trên dòng chính hạ nguồn Mê Kông đang dấy lên những lo ngại về tác động môi sinh, xã hội. Nằm ở cuối nguồn, Việt Nam được cảnh báo sẽ chịu những tác động nghiêm trọng nếu các đập dòng chính được xây dựng: từ các tác động tới dòng chảy, nhịp lũ, hệ sinh thái, phù sa, thủy sản đến sinh kế người dân và quy hoạch thủy lợi toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)… Để tìm hiểu rõ hơn về một trong các tác động nghiêm trọng ấy – tác động đến tài nguyên đất – ThienNhien.Net đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Phát Quới(*), Viện Môi trường và Tài Nguyên – ĐH Quốc gia TPHCM, người đã có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực này.
PV: Thưa TS, con đập Xayaburi được Lào đề xuất xây dựng trên dòng chính Mê Kông được cho là sẽ tác động nghiêm trọng đến vùng ĐBSCL, đến nguồn phù sa bồi đắp cho đồng bằng này. Là người đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên đất ĐBSCL, xin TS cho biết đặc điểm tài nguyên đất nơi đây cùng mối liên hệ giữa dòng Mê Kông và loại tài nguyên này?
TS Lê Phát Quới: ĐBSCL được bồi đắp và hình thành từ trầm tích phù sa sông Mê Kông và trầm tích biển. Từ sự phong hóa các vật liệu trầm tích phù sa sông-biển này nhiều loại đất đã được hình thành, gồm 4 nhóm chính: Đất xám phù sa cổ; Đất phèn; Đất phù sa sông; và Đất phù sa nhiễm mặn.
Đất xám trên phù sa cổ – đất núi (0,35 triệu ha) phân bố dọc theo biên giới Việt Nam-Campuchia và xung quanh một số đồi núi ở Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn (An Giang), Kiên Lương, Hòn Đất, Hà Tiên (Kiên Giang).
Đất phèn (1,4 triệu ha) đặc trưng bởi độ acid và nồng độ độc tố sắt, nhôm khá cao. Nhóm đất này cũng bao gồm cả các loại đất phèn nhiễm mặn nặng và trung bình. Các nhóm đất phèn (tiềm tàng và hoạt động) tập trung tại Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX). Các nhóm đất phèn mặn và nhiễm mặn tập trung tại vùng trung tâm Bán đảo Cà Mau (BĐCM).
Đất phù sa sông (1,4 triệu ha) tập trung ở vùng trung tâm ĐBSCL, có độ phì nhiêu tự nhiên cao và không có các yếu tố hạn chế nghiêm trọng nào. Nhiều loại cây trồng có thể canh tác được trên nền đất này.
Đất nhiễm mặn (0,75 triệu ha) chịu ảnh hưởng của nước mặn trong mùa khô và ít được cung cấp nước ngọt. Hiện nay, trên diện tích đất này người ta trồng lúa vào mùa mưa và ở một số khu vực nuôi tôm trong mùa khô.
PV: Được biết Việt Nam chúng ta đã khá thành công trong việc tận dụng nguồn nước sông Mê Kông để cải tạo tài nguyên đất ĐBSCL, TS có thể cho biết rõ hơn về quá trình này và những thành quả mà chúng ta đạt được?
TS Lê Phát Quới: Từ xa xưa sông Mê Kông đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lượng phù sa hình thành nên vùng hạ lưu châu thổ ĐBSCL. Tuy nhiên, trước năm 1975, tài nguyên đất vùng ĐBSCL được đánh giá là có nhiều vấn đề. Hơn 1/3 diện tích là đất phèn và phèn mặn bao phủ ở vùng ĐTM (700.000 ha), TGLX (489.000 ha) và BĐCM; đất mặn trải dài cả vùng duyên hải của đồng bằng. Đất phèn với độ acid cùng các độc chất như Fe, Al, SO2 và đất mặn với hàm lượng muối khá cao đã gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng. Khi đó, mặc dù nguồn nước từ sông Mê Kông đổ về khá nhiều, nhưng do thiếu hệ thống kênh chuyển nước phục vụ việc tháo rửa độc chất và canh tác nông nghiệp, phần lớn nguồn nước trong vùng ĐTM, TGLX và một phần của Tây Nam Sông Hậu bị nhiễm phèn, gây thiệt hại cho tài nguyên thủy sản tự nhiên trong vùng. Những vùng ven biển và cận duyên hải thì bị mặn xâm nhập khá sâu vào mùa khô, gây tình trạng nhiễm mặn trên diện tích khá lớn.
Sau năm 1975, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL, nhiều chương trình phát triển nông nghiệp trên vùng đất phèn đã được thực hiện với sự đầu tư của các cơ quan trung ương và địa phương. Từ nguồn nước sông Mê Kông, hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL với những kênh tưới và tiêu nước đã đóng góp quan trọng trong việc cải tạo đất ĐBSCL.
PV: TS có thể cho biết rõ hơn về những thành quả từ chương trình thủy lợi này?
TS Lê Phát Quới: Từ nguồn nước Mê Kông, hệ thống thuỷ lợi ĐBSCL đã mang lại rất nhiều đổi thay có ý nghĩa đối với vùng đất này. Thứ nhất, nó đã cung cấp nguồn nước cho những vùng đất xám có địa hình tương đối cao, thiếu nước nằm dọc theo biên giới Việt Nam-Campuchia và những khu vực đất ven những đồi núi ở Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang), Kiên Lương, Hà Tiên (Kiên Giang). Thứ hai, nó giúp cải thiện tính chất đất phèn và đất phèn mặn, đặc biệt ở hai vùng đất phèn rộng lớn ĐTM, TGLX và một phần diện tích của vùng Tây Nam Sông Hậu, BĐCM. Thêm nữa, nguồn nước sông Mê Kông đã giúp cải tạo những khu vực đất nhiễm mặn vùng duyên hải ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang. Đồng thời, dòng sông cũng cung cấp một lượng phù sa khá lớn chứa nhiều khoáng chất để cung cấp cho đất, nhất là trên những vùng đất phù sa kém dưỡng chất, đất giồng cát và đất xám bạc màu. Cuối cùng, hệ thống kênh, ở một khía cạnh nào đó, đã giúp thoát nước nhanh hơn ở các khu vực trũng thấp (ĐTM và TGLX) trong mùa nước nổi.
PV: Từ vai trò quan trọng đến thế của dòng Mê Kông đối với tài nguyên đất ĐBSCL, ông có thể dự báo gì về tác động của con đập Xayaburi đang được đề xuất nói riêng và các con đập dòng chính hạ nguồn Mê Kông nói chung đối với tài nguyên đất ĐBSCL nếu chúng được xây dựng? Liệu những kết quả mà chúng ta đã đạt được từ các chương trình cải tạo đất có thể duy trì?
TS Lê Phát Quới: Đập thủy điện Xayaburi là một trong 6 con đập dự định xây dựng trên lãnh thổ Lào ở hạ nguồn dòng chính. Nếu được xây dựng, Xayaburi sẽ là tiền đề, là tín hiệu đầu tiên ủng hộ các con đập khác ở phía hạ lưu và điều này sẽ mang lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với ĐBSCL.
Mỗi năm sông Mê Kông chuyên chở khoảng 150 – 200 triệu tấn phù sa. Tuy nhiên, hơn 50% lượng phù sa di chuyển vào sông Mê Kông bắt nguồn từ lãnh thổ Trung Quốc. Do đó, với sự hiện diện của các đập thủy điện của Trung Quốc phía thượng nguồn, có khoảng 50% lượng phù sa sẽ bị giữ lại, và nếu các con đập phía hạ lưu sông Mê Kông được xây dựng thì có thêm khoảng 25% lượng phù sa nữa bị ngăn lại. Như vậy, lượng phù sa vào vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ giảm đáng kể, từ 26 triệu tấn/năm chỉ còn khoảng 7 triệu tấn/năm.
PV: Điều này sẽ tác động đến hiện trạng và chất lượng đất của ĐBSCL như thế nào, thưa TS?
TS Lê Phát Quới: Hệ quả này sẽ tác động rất lớn tới tài nguyên đất ĐBSCL. Thứ nhất, ĐBSCL sẽ thiếu dưỡng chất từ phù sa để cung cấp cho đất, nhất là những vùng đất xám bạc màu, đất phù sa canh tác 3 vụ vốn đã kém dưỡng chất, khiến đất ngày càng thoái hóa. Thứ hai, thiếu lượng phù sa sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng xói lở bờ sông Tiền và sông Hậu trong những năm vừa qua. Thứ ba, thiếu nguồn nước từ sông Mê Kông trong mùa khô và đầu mùa mưa sẽ khiến gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào sông, kênh rạch và nội đồng, mở rộng diện tích đất nhiễm mặn. Cuối cùng, ĐBSCL sẽ không đủ nguồn nước để ém phèn, nhất là vùng ĐTM, TGLX và một phần Tây Nam Sông Hậu, gây ra hiện tượng phèn hoá đất, thiệt hại cho canh tác nông nghiệp.
PV: Như vậy, các tác động đến tài nguyên đất ĐBSCL sẽ có hệ quả như thế nào đối với năng suất và sản lượng lương thực của vựa lúa ĐBSCL nếu các dự án đập được thực thi?
TS Lê Phát Quới: Như đã đề cập, nguồn nước ngọt từ sông Mê Kông đã, đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo đất và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Những kết quả về sản xuất nông nghiệp trong hơn 20 năm qua đã chứng minh điều này. Từ một quốc gia thiếu lương thực, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, với hơn 6,7 triệu tấn xuất khẩu vào năm 2010. Tuy nhiên, nếu các các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được xây dựng, diện tích canh tác lúa sẽ bị giảm do xâm nhập mặn và phèn hoá trong đất. Điều này cũng làm gia tăng chi phí sản xuất từ việc đầu tư thêm cho phân bón, nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật. Việc sản xuất tăng vụ cũng bị hạn chế vì thiếu nguồn nước trong mùa khô do các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông làm giảm khối luợng nước, hạ thấp mực nước dòng chính. Với những tác động như vậy, chắc chắn năng suất và sản lượng lúa vùng ĐBSCL sẽ giảm.
PV: Giả sử các đề xuất đập này vẫn được thông qua và triển khai, Việt Nam có thể làm gì để giảm nhẹ tác động, xét riêng về khía cạnh tài nguyên đất ĐBSCL, thưa TS?
TS Lê Phát Quới: Sông Mê Kông là một con sông chung của các quốc gia trong lưu vực, song những tác động kinh tế – xã hội từ việc xây đập Xayaburi trên dòng sông chung này tới vùng ĐBSCL hiện vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Do đó, điều chúng ta cần hiện nay là hoãn việc xây dựng đập ít nhất khoảng 10 năm để có thể đánh giá toàn diện tác động và đề ra các giải pháp giảm thiểu.
Tuy nhiên, nếu đề xuất đập Xayaburi vẫn được thông qua, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm ngay. Thứ nhất, chúng ta cần đánh giá lại lưu lượng, thời gian nguồn nước sông Mê Kông đưa về ĐBSCL và khả năng nguồn nước này cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện diện của các đập thủy điện dòng chính. Thứ hai, bố trí lại thời vụ và có thể chuyển đổi hệ thống canh tác trong điều kiện thiếu nguồn nước, khô hạn, đất phèn hóa và bị nhiễm mặn sâu. Cuối cùng, chúng ta cần đề ra chương trình hỗ trợ sinh kế cho nông dân, tránh để xảy ra tình trạng nông dân bỏ đồng ruộng tìm kế mưu sinh nơi khác.
PV: Trong một diễn đàn thảo luận về tác động của thủy điện dòng chính đối với dòng Mê Kông được tổ chức mới đây, TS từng nói là dù các tác động của Xayaburi đối với ĐBSCL là vô cùng nghiêm trọng, song con đập Stung Treng nếu được xây dựng mới là “cái chết đối với ĐBSCL”. TS có thể nói rõ hơn về ý này không? Và ngoài Stung Treng, còn đập thủy điện nào trong số 12 dự án được đề xuất mà Việt Nam cần phải đặc biệt “dè chừng”?
TS Lê Phát Quới: Mặc dù đập Xayaburi nằm trên lãnh thổ của Lào và khá xa ĐBSCL của Việt Nam, nhưng những tác động của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư vùng ĐBSCL. Song, còn một vấn đề quan trọng hơn đằng sau quyết định về đề xuất này là nếu được chấp thuận, Xayaburi sẽ trở thành tiền lệ cho một số đập khác trên dòng chính. Trong số 12 đề xuất, có 2 con đập nằm trên lãnh thổ Campuchia là Stung Treng và Sambor có vị trí rất gần với ĐBSCL. Do đó, nếu được xây dựng, đây có thể xem như cái chết về sản xuất nông nghiệp được báo trước cho vùng ĐBSCL.
PV: Chân thành cảm ơn TS về cuộc trò chuyện này.
Năm 1975, vùng ĐBSCL với tổng diện tích tự nhiên là 3,97 triệu ha chỉ canh tác 2,039 triệu ha lúa, phần lớn là lúa mùa và 26,9% lúa cao sản, tổng sản lượng lúa đạt 5,141 triệu tấn. Sau những cố gắng cải thiện chất lượng đất, nước và những giải pháp khác được áp dụng từ các chương trình của Chính phủ, của các tỉnh ĐBSCL và quốc tế, đến năm 2009, diện tích sản xuất nông nghiệp lên đến 2,60 triệu ha (chiếm 65% diện tích ĐBSCL); trong đó diện tích canh tác lúa tăng lên 2,34 triệu ha (trên 90% diện tích sản xuất nông nghiệp), riêng lúa cao sản chiếm 83,17 %, đạt sản lượng 21,2 triệu tấn (Thống kê, 2009). Ngoài việc mở rộng diện tích canh tác lúa, việc gia tăng vụ mùa (từ 1 vụ lên 2-3 vụ/năm) đã làm tăng sản lượng lương thực cho vùng châu thổ này. Nhờ các giải pháp tổng hợp được áp dụng, đặc biệt là giải pháp sử dụng nguồn nước sông Mê Kông để cải thiện chất lượng đất, cung cấp nước cho phát triển nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, với lượng xuất khẩu hơn 6,7 triệu tấn vào năm 2010. Có thể nói vai trò của sản xuất lúa của ĐBSCL đã và đang đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia mà không vùng đất nào của đất nước có thể thay thế. |
(*) TS Lê Phát Quới hiện là Trưởng phòng Tài Nguyên, Viện Môi Trường và Tài Nguyên- Đại học Quốc gia Tp. HCM; chuyên gia Quốc gia Dự án Bảo Vệ Đất Than Bùn vùng Đông Nam Á. TS Quới từng là thành viên nghiên cứu và xây dựng bản đồ đất ĐBSCL trong những năm 1982-1992 và đồng quản lý Dự án Bảo tồn và Sử dụng Bền vững Đất Ngập Nước sông Mê Kôngtừ năm 2004 đến 2006.
Bạch Dương (thực hiện)