ThienNhien.Net – Nếu được xây dựng, con đập đầu tiên trên dòng chính Mê Kông – Xayaburi – có thể phá vỡ dòng di cư của cá và nguồn cung thực phẩm của hàng triệu người dân trên lưu vực – WWF cảnh báo trong một nghiên cứu mới công bố.
“Đánh giá Nghiên cứu khả thi và Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của đập Xayaburi trên dòng chính Mê Kông ở khía cạnh cá và nghề cá” là nghiên cứu do WWF khởi xướng, được Trung tâm Nghề Cá Thế giới điều phối với sự tham gia của Tổ chức Nông lương Liên hiệp Quốc (FAO).
Theo đánh giá này, Nghiên cứu khả thi và ĐTM của Xayaburi đã thất bại trong việc giải quyết các nguy cơ môi trường chính yếu và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Bản đánh giá cho rằng EIA của con đập phớt lờ các nghiên cứu đã công bố và quá dựa dẫm vào “việc lấy mẫu thực địa một cách hời hợt” vốn chỉ bao quát chưa đến 1/3 đa dạng sinh học trong khu vực chịu ảnh hưởng.
Theo đó, trong các báo cáo này, chỉ có 5 loài cá di cư trong danh sách biên soạn năm 1994 được nhắc tới và chỉ có 3 trong số hơn 28 nghiên cứu về sự di cư của các loài cá Mê Kông được tham khảo. Trái lại, các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng có 229 loài cá đang tận dụng các môi trường sống phía trên khu vực xây đập để đẻ trứng hoặc nương náu vào mùa khô, với 70 loài được xác định là loài di cư.
Bản đánh giá của WWF cũng cho rằng thiết kế đường đi cho cá đã phớt lờ các hướng dẫn thiết kế, thiếu các chi tiết quan trọng, kể cả đặc tính sinh thái của các loài cá sẽ “sử dụng” cầu thang cá này. Thêm nữa, độ dốc và các bậc thang trong thiết kế sẽ là một thách thức kể cả với cá hồi chứ chưa nói đến loài cá Mê Kông.
Trong số các loài cá bị đe dọa, có thể kể đến loài cá tra khổng lồ lừng danh của dòng Mê Kông với khu vực đẻ trứng duy nhất được biết tới ở thượng nguồn giữa tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) và Bokeo (Lào). Trong khi cá tra khổng lồ Mê Kông là một biểu tượng của dòng sông và có ý nghĩa văn hóa vô cùng quan trọng, thì các loài cá nhỏ hơn như cá linh lại là nguồn thực phẩm quan trọng đối với cư dân của lưu vực.
“Làm sao có thể áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tác động bằng thiết kế cầu thang cá không đáp ứng được đặc tính sinh thái và nhu cầu của các loài cá mục tiêu? Trong trường hợp Xayaburi, các loài cá mục tiêu lại có phổ rất rộng, từ loài cá linh nhỏ bé đến loài cá tra khổng lồ dài tới 3m.”, Tiến sĩ Jian-hua Meng, chuyên gia về thủy điện của WWF phát biểu.
Ông cũng cho rằng cầu thang cá sở dĩ phần nào thành công ở Châu Âu và Nam Mỹ là bởi nơi đó chỉ có ít loài di cư và phần nhiều dành cho cá hồi, vốn là loài bơi lội và bật nhảy khỏe hơn phần lớn các loài di cư của Mê Kông.
WWF cũng cho biết các nghiên cứu khác từng kết luận rằng đường đi cho cá không thể là một giải pháp giảm nhẹ thực tế đối với các đập dòng chính Mê Kông và rằng “Mê Kông không nên trở thành một phép thử” để chứng minh hay cải tiến các công nghệ cầu thang cá.
Dẫn trường hợp đập Pak Mun của Thái Lan, WWF bày tỏ ngại về sự lặp lại những thiệt hại môi trường trên quy mô lớn hơn nhiều ở Xayaburi. Vì trên thực tế, bất chấp những quả quyết về tác động không đáng kể của đập Pak Mun tới các loài cá trước khi xây dựng, thì ngay trong thập kỷ đầu tiên vận hành, con đập đã gây ra tác động hủy hoại đối với 85% loài cá có mặt ở đây trước khi nó được xây dựng, khiến 56 loài biến mất hoàn toàn và lượng đánh bắt giảm ở hơn 169 loài, theo một nghiên cứu của Ủy ban Đập Thế giới.
Và với tất cả những thiếu sót kể trên, WWF ủng hộ phương án hoãn 10 năm đối với các đề xuất thủy điện dòng chính Mê Kông, bao gồm cả con đập Xayaburi để có những nghiên cứu sâu hơn, cung cấp các hiểu biết toàn diện về tất cả các tác động của quá trình xây dựng và vận hành.