ThienNhien.Net – Việc Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin (HVS) mới đây bị phát hiện xả hàng chục mét khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mỗi ngày xuống vịnh Vân Phong, Khánh Hòa khiến dư luận nhớ lại hàng loạt những sự vụ đình đám của doanh nghiệp này từ nhiều năm trước. Đã hơn một thập niên trôi qua nhưng những câu chuyện về việc nhập và thải hạt nix của HVS vẫn chưa bớt nóng, xung quanh câu chuyện ấy vẫn còn là một mớ bùng nhùng đan xen giữa những lợi ích, toan tính thiệt hơn và cả sự bất bình.
Sức hút của câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc HVS thải cả triệu tấn hạt nix (xỉ đồng) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn nằm ở sự kém hiệu quả trong công tác giám sát và giải quyết vấn đề của các cơ quan chức năng, khiến vụ việc trở nên dai dẳng, gây bức xúc dư luận. Không ít các tuyên bố mang tính giải pháp đã được đưa ra mỗi khi dư luận lên tiếng phản đối nhưng rút cục HVS vẫn an toàn. Thậm chí, từng ít nhất 4 lần bị Thủ tướng cho ý kiến xử lý nhưng cuối cùng hạt nix vẫn được nhập.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng không chỉ nằm ở vấn đề nhập hạt nix hay không mà chính là quá trình giám sát HVS sử dụng lượng hạt nix ra sao. Trên thực tế, hoạt động làm sạch vỏ tàu của HVS bằng cách sử dụng hàng nghìn tấn hạt nix mỗi năm không hề được các cơ quan chức năng thống kê, giám sát. Việc có bao nhiêu phần trăm hạt nix được sử dụng, gây ảnh hưởng đến môi trường biển, không khí, nước ngầm ra sao, cùng các biện pháp bảo vệ đi kèm… cũng không được báo cáo cụ thể.
Không khó để lí giải vì sao HVS lại nhận được nhiều sự ưu ái tới vậy bởi đằng sau doanh nghiệp này là “số phận của hàng ngàn lao động địa phương” – như lời giải trình của HVS và bởi điều đó có ảnh hưởng quan trọng đến nguồn thu… Nhưng khó ai có thể trả lời khi nào gần một tấn hạt nix thải sẽ được xử lý. Toàn bộ số hạt nix thải này hiện vẫn nằm chềnh ềnh giữa bãi chứa lộ thiên Mỹ Á thuộc xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, trong khi cái gọi là “Nhà máy xử lý hạt nix thải” mà HVS viện ra vẫn chỉ là bãi đất trống dù đã qua hai lần khởi công! HVS từng khiến nhiều người mừng thầm khi tuyên bố xây dựng nhà máy này tại Ninh Hòa vào đầu năm 2008, tháng 9/2008, HVS kí tiếp hợp đồng triển khai dự án với Công ty Cổ phần Khoáng sản và luyện kim Hà Nội, dự kiến đầu năm 2010 nhà máy sẽ bắt đầu công cuộc xử lý hạt nix với công suất 330.000 tấn/năm. Nhưng đến nay tất cả vẫn dậm chân tại chỗ.
Sự trì trệ trong công tác thi công khiến nhiều người ngờ vực liệu đó có phải là màn kịch nửa vời mà HVS dựng lên nhằm che đậy dư luận? Và điều quan trọng hơn là bài toán này đã được tính toán từ ba năm về trước để kịp chuyển giao toàn bộ lượng nix thải cho Công ty Cổ phần Khoáng sản và luyện kim Hà Nội, và để mới đây HVS có thể hùng hồn tuyên bố sẽ chấm dứt việc sử dụng nix và chuyển sang đóng mới (tàu) hoàn toàn tại nhà máy ở thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Với “nước cờ” tinh vi này, HVS coi như đã làm xong trách nhiệm xử lý gần một triệu tấn nix đang tồn đọng?!
Lật dở “bảng thành tích” của HVS từ những ngày đầu hoạt động mới thấy đơn vị này không chỉ “tích cực” xả nix thải mà còn thường xuyên không xử lý bụi và nước thải trong quá trình sửa chữa, hoán cải tàu, nhiều lần còn đổ trộm hàng trăm tấn chất thải độc hại (hỗn hợp từ dầu thải, gỗ mục, chất gỉ kim loại, sắt, đồng, chì) ra môi trường… Và mới đây, HVS cũng thẳng tay xả hàng chục mét khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mỗi ngày xuống vịnh Vân Phong, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Nhưng đi qua tất cả những sự cố, những thiệt hại gây ra cho môi trường, xã hội, HVS vẫn “hạ cánh” an toàn.
Không chỉ nhận được nhiều sự hậu thuẫn, bản thân HVS còn thu được một nguồn lợi khổng lồ từ việc được miễn thuế nhập khẩu hạt nix và không phải chi trả bất cứ một khoản phí bảo vệ môi trường nào (trừ một số lần nộp phạt không đáng kể). Đó có lẽ cũng là “động lực” mạnh nhất khiến doanh nghiệp này cố thủ sử dụng nix thay dù trước đó từng cam kết dùng công nghệ phun cát để làm sạch vỏ tàu.
Câu chuyện HVS xả nix thải nay đã tạm khép lại nhưng số phận của nhà máy xử lý nix thải vẫn khiến không ít người lo lắng và chưa biết chừng “bảng thành tích” của HVS sẽ còn tiếp tục được bổ sung. Càng lo hơn nữa khi sự dung túng cho HVS rất có thể sẽ trở thành một “bài toán mẫu” được nhiều địa phương áp dụng. Dẫu biết rằng việc trải thảm đỏ thu hút đầu tư là quan trọng nhưng nếu đánh đổi điều đó bằng những thiệt hại về môi sinh và xã hội thì thật đáng trách lắm thay?