Kỳ 2: Bảo tồn kho tri thức bản địa
ThienNhien.Net – Cùng với sự ưu ái của tự nhiên về “nguồn vàng xanh”, các cộng đồng dân tộc ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang sở hữu một kho tri thức bản địa lâu đời về các bài thuốc nam. Song, trong số hàng trăm, hàng nghìn bài thuốc được lưu truyền lại qua nhiều thế hệ bằng cách ghi chép, truyền khẩu… đã có không ít bài thuốc bị thất truyền, mà một phần nguyên nhân là do nạn khai thác cây thuốc vô tội vạ như hiện nay.
Tri thức bản địa mai một khi cây thuốc không còn
Việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc đang là vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết, cũng chính bởi tình trạng quá nóng của nạn “chảy máu” cây thuốc qua biên giới phía Bắc. Và trong khi việc bảo tồn nguồn tài nguyên này đang đặt ra vô cùng cấp thiết thì việc gìn giữ và phát triển kho tri thức bản địa của những thày lang, thày thuốc, của các cộng đồng dân tộc cũng quan trọng không kém.
Nói về điều này, Ts. Trần Công Khánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển câythuốc cổ truyền dân tộc (CREDEP) cho biết: “Thày thuốc Đông y và các cộng đồng dân tộc thiểu số với kinh nghiệm dân gian về chăm sóc sức khỏe chính là một nguồn tài nguyên phi vật thể vô cùng quý báu . Nếu không được quan tâm bảo tồn, sự thất truyền tri thức, kinh nghiệm của họ sẽ là thiệt hại nghiêm trọng đối với đất nước. Bởi lẽ mất nguồn gen cây thuốc ở chỗ này có thể vẫn còn tìm được ở chỗ khác nhưng mất đi tri thức là mất mát vĩnh viễn. Mất cây thuốc thì không còn người chữa bệnh. Mất người biết dùng thuốc, cây thuốc thành cây hoang dã trong tự nhiên và cũng là mất đi cây thuốc vậy.”
Thế nhưng, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đang tồn tại một thực tế là người khai thác cây thuốc chả mấy hiểu biết về cây thuốc và tác dụng của chúng vì họ khai thác không phải để dùng mà để đem bán.
Đến tìm hiểu tại địa bàn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, và các xã thuộc vùng lõi của VQG Hoàng Liên (Sa Pa – Lào Cai) nơi tập trung rất nhiều người dân lên rừng lấy cây thuốc, hỏi ai, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời là không biết công dụng của những loại cây mà họ đem bán. Ở Lào Cai chỉ có một số ít đồng bào người Dao đỏ biết sử dụng cây thuốc, còn lại chủ yếu là vào rừng lấy đem bán kiếm tiền.
Chính vì không hiểu gì về công dụng của cây thuốc, lại được các đầu nậu thu mua tận nơi nên đại đa số bà con sống ở những nơi có cây thuốc sinh trưởng và phát triển đều khai thác theo kiểu chặt tận gốc, nhổ cả rễ. Và thế là những thày lang giàu kinh nghiệm chữa bệnh giờ cũng chẳng dễ dàng gì kiếm được cây thuốc cho những bài thuốc gia truyền của mình, để rồi một ngày nào đó nó sẽ trở thành các “bài thuốc chết” vì không kiếm đâu ra cây thuốc nguyên liệu.
Đừng để mắc tội với con cháu
Vậy chúng ta phải làm gì để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc quý giá này cùng các kiến thức bản địa đi kèm với nó?
Theo Ts. Trần Văn Ơn, Đại học Dược Hà Nội, thì một trong những việc mà nhà nước cần làm là tạo điều kiện thuận lợi và tuyên truyền cho người dân để họ biết cách đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các bài thuốc gia truyền và các bài thuốc của cộng đồng mình. Bên cạnh đó, việc công bố tri thức truyền thống dưới dạng tư liệu hóa cũng rất quan trọng.
Hơn nữa, theo Ts. Trần Văn Ơn, để bảo tồn kho tri thức bản địa trong nhân dân, chúng ta còn phải có ý thức chống lại sự “ăn cắp” của các tập đoàn xuyên quốc gia: “Vì mẹo của các “maphia dược phẩm” rất tinh vi. Họ chỉ cần thêm chút giá trị gia tăng và đăng ký sở hữu của họ là đã tước quyền sở hữu tri thức của người địa phương.”
Nhưng cái quan trọng nhất, thiết nghĩ, vẫn là lòng tin của những người nắm giữ các bài thuốc với xã hội, để họ chia sẻ kinh nghiệm quý báu của cha ông. Đó cũng là một cách lưu giữ và truyền lại những gì đã có trong dân gian từ xa xưa.
Tiễn sỹ Trần Văn Ơn cho hay: “Chúng ta có thể xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu giữ các bài thuốc gia truyền của người dân bản địa, khi cần đến thì chỉ cần tra cứu trong máy tính là tìm ra ngay các bài thuốc đã đăng ký. Tuy nhiên, cũng cần công bố sao cho vừa bảo đảm quyền sở hữu nhưng lại vừa bảo đảm rằng người khác không thể ăn cắp.”
Bàn kỹ hơn về việc sở hữu tri thức bản địa, Ts. Ơn còn nhắc đến bài học từ Thái lan về việc phân cấp sở hữu: “Chúng ta có thể chia tri thức sở hữu về cây thuốc thành 3 cấp: cấp gia đình, cấp cộng đồng và cấp quốc gia. Ví dụ, dùng cây ngải cứu để đánh gió thì ở nước ta ai cũng biết, có thể gọi đó là cấp quốc gia; thuốc tắm của người Dao đỏ chỉ cộng đồng người Dao biết thì thuộc cấp cộng đồng; cuối cùng là cấp cá nhân, gia đình dòng họ. ”
Là người có rất nhiều năm nghiên cứu về cây thuốc cũng như về tri thức bản địa của bà con dân tộc vùng núi phía Bắc. PGS.TS Trần Công Khánh cũng cho biết, các đồng bào dân tộc miền núi của chúng ta biết rất nhiều thứ thuốc, đặc biệt là đồng bào Dao đỏ ở Sa Pa và người Cao Lan ở Tuyên Quang. Và tất cả các ông lang, bà mế trên cả nước này có quyền sở hữu trí tuệ của họ. Tuy nhiên hiện chưa có ông lang, bà lang nào được nêu tên trong sách y học của Việt Nam. Điều đó cho thấy là chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ kho tri thức bản địa của họ: “Sự thất tuyền y học gia truyền đồng nghĩa với dân tộc Việt Nam mất bài thuốc quý mà có thể 3.000 – 5.000 năm nữa chúng ta cũng không thể tìm lại được.”
Đến lúc đó chúng ta sẽ mắc tội với con cháu vì không giữ được nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa sử dụng cây thuốc.