Lời giải nào cho bài toán bảo tồn cây thuốc? (Kỳ 1)

Từ xa xưa ông cha ta đã biết sử dụng cở cây hoang dại trong rừng làm thuốc chữa bệnh. Những bài thuốc đã được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác, mang lại những giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là một kho tàng văn hóa phi vật thể đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát huy. Ấy vậy mà, khoảng hơn 20 năm trở lại đây chúng ta đã làm một việc có lỗi với thế hệ đi trước và mắc tội với con cháu đời sau. Đó là việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn tài nguyên cây thuốc nam, đẩy nhiều loài vào nguy cơ tuyệt chủng, khiến một số bài thuốc quý bị thất truyền…  Và cho dù thực trạng này nay đã đến mức báo động, vẫn chưa có ngành chức năng nào có biện pháp quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên được mệnh danh là “vàng xanh” này một cách hữu hiệu. Để rồi, đi liền với thực tế đó là sự ra đi mãi mãi của các kiến thức bản địa về chữa bệnh bằng thuốc nam.

Kỳ I: Còn đâu “núi thuốc” Ba Vì

ThienNhien.Net – Núi Ba Vì, thuộc Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 60km về phía Tây từ lâu đã được nhiều người biết đến như một “núi thuốc nam” có một không hai của vùng đồng bằng sông Hồng rộng lớn. Thế nhưng, qua hơn 20 năm được đồng bào người Dao tại đây khai thác và sử dụng, nguồn tài nguyên cây thuốc đã gần như cạn kiệt, thậm chí một số loài đã tuyệt chủng.

Vàng son một thuở…

Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì được thành lập trên cơ sở lâm trường Ba Vì từ những năm 1986 của thế kỷ trước. Từ xa xưa, tại đây đồng bào người Dao đã sinh sống, du canh du cư trên độ cao từ 400 – 800m. Sau khi hình thành, VQG đã tiến hành định cư cho đồng bào người Dao dưới chân núi Ba Vì, đồng thời tuyên truyền  cho bà con không làm nương rẫy, không chặt phá rừng, hướng dẫn trồng rừng…

VQG Ba Vì rất giàu có về đa dạng sinh học và phong phú về nguồn cây dược liệu. Nằm xen kẽ giữa những cánh rừng rậm rạp là nguồn “vàng xanh” vô cùng giá trị. Đó là cây thuốc nam, loài cây không những đem lại sức khỏe mà còn tạo của ăn, của để cho hàng nghìn người dân sống dưới chân núi Ba Vì bao năm qua.

Xã Ba Vì tương đối rộng với diện tích 2.540 ha, dân số 2.018 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, xưa nay vốn sống chủ yếu dựa vào rừng. Cũng từ  xa xưa, đồng bào người Dao nơi đây đã biết vào rừng hái cây cỏ về làm thuốc mỗi khi ốm đau, bệnh tật…

Nắm trong tay những bài thuốc chữa được nhiều loại bệnh, trong rừng lại sẵn cây thuốc nên cách đây hơn 20 năm đồng bào người Dao ở Ba Vì đã biết khai thác và sử dụng cây thuốc vào mục đích thương mại. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nguồn tài nguyên cây thuốc ở Ba Vì ngày các khan hiếm, các bài thuốc bí truyền cũng mai một theo năm tháng.

 

Là người gắn bó với vùng núi Ba Vì, chứng kiến cảnh dân mình ào ào vào rừng tìm cây thuốc rồi tỏa đi khắp nơi bán. Ông Lều Văn Trọng – Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thuốc nam Dân tộc xã Ba Vì chia sẻ: “Vào những năm 1986 – 1991, Nhà nước cắt đất thuộc diện tích của xã lấy về VQG Ba Vì, từ  2500 ha đất chúng tôi chỉ còn 210ha, thật là chật vật để đảm bảo cho sinh kế của 2018 con người ở vùng miền núi. Không còn đủ đất để làm lúa, ngô, khoai nuôi sống mình nữa, vậy là chúng tôi nghĩ ra cái chuyện mang cái tài nguyên và kiến thức của cha ông ta là cây thuốc nam ra bán.  Chúng tôi bán khoảng hơn 20 năm, từ năm 1986 cho đến những năm 2009 – 2010, rồi ngoảnh lại mới thấy không còn gì mà bán nữa. Tổng kết lại mình bán cây thuốc hơn 20 năm, thu được hơn 100 tỷ đồng, nhờ  đó đời sống nhân dân được nâng cao hơn, nhưng cái giá phải trả thật cũng chẳng hề nhỏ”.

Ông Lều Văn Trọng, Chủ tịch HTX Dịch vụ Thuốc nam Dân tộc Ba Vì

Cái giá mà ông Trọng nói đến ở đây chính là sự  suy giảm, thậm chí là cạn kiệt tài nguyên cây thuốc và sự mai một các bài thuốc quý. Trước đây những bài thuốc của đồng bào Dao ở Ba Vì để lại chữa bệnh có tác dụng rất tốt , bây giờ những bài thuốc đó đã không thể giữ trọn vẹn giá trị vì  thiếu cây thuốc hoặc do cây thuốc chưa đủ dược tính.

Cũng chính vì vậy, hàng nghìn người làm nghề thuốc nam ở Ba Vì đến nay đang phải vươn cánh tay dài ra Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, thậm chí là Bắc Trường Sơn và miền Trung để kiếm cây thuốc cho những bài thuốc mà ông cha đã truyền lại.

… và những con số đáng buồn hiện nay

Khi được hỏi về tình hình khai thác và sử dụng cây thuốc nam tại Ba Vì trong hơn 20 năm qua, ông Trọng buồn rầu bộc bạch: “Chúng tôi đã khai thác gần hết rồi còn đâu nữa. Núi Ba Vì có hơn 500 loài thuốc nam, người Dao Ba Vì biết được 283 thứ cây dùng cho những bài thuốc cổ truyền và hiện nay đang sử dụng cả kiến thức bên ngoài cộng đồng với khoảng hơn 300 loài cây. Thế nhưng nguồn cây thuốc hiện đang dần cạn kiện, một số loài thậm chí không thể tìm lại được nữa để làm thuốc. ”

Nhìn nhận được nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên quý, nhằm bảo tồn và phục hồi cây thuốc nam, HTX Dịch vụ Thuốc nam Dân tộc Ba Vì đã được thành lập, đến nay đã được hơn 2 năm. Mục tiêu ra đời của HTX là nhằm kiểm kê lại xem bao nhiêu cây thuốc đã mất, làm thế nào  để phục hồi được những loài thuốc này và kêu gọi Chính phủ cùng các tổ chức phi chính phủ chung tay làm sống lại toàn bộ kho tài nguyên cây thuốc mà người Dao ở núi Ba Vì đã có từ bao đời nay.

Sau hơn hai năm thành lập, HTX đã làm được một số việc như: kiểm kê cây thuốc, đánh giá  thực trạng của cây thuốc hiện nay, phân công tổ chức ươm cây con…

Hiện nay để có cây thuốc phục vụ cho bài thuốc của mình, bà con dân tộc ở Bà Vì phải vươn cánh tay rất dài ra tận Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, thậm chí là Bắc Trường Sơn... mới có.

Trong cuộc điều tra gần nhất về cây thuốc vùng núi Ba Vì, phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân xã và các cơ quan có trách nhiệm, HTX  Dịch vụ Thuốc Nam Dân tộc đã phải đau đớn ghi nhận 12 loài thuốc đã không thể tìm thấy và có thể đã tuyệt chủng tại Ba Vì. Trong khi đó, cuộc điều tra cũng cho thấy 112 loài không còn nhiều nữa, đi hàng ngày, thậm chí vài ba ngày ở vùng quanh núi Ba Vì cũng có khi không tìm được. Số còn lại chưa tuyệt chủng thì cũng chẳng dễ tìm hoặc còn non và chưa đủ dược tính.

Thế là nghề thuốc nam Ba Vì có từ rất xa xưa rồi, do khai thác và sử dụng không hợp lý giờ đã mai một đi nhiều. Sự mất mát này đang khiến hàng ngàn người Dao ở Ba Vì phải trăn trở vì đó không chỉ là sự mất mát về sinh kế mà còn là sự mất mát nguồn của cải và tri thức bản địa được cha ông truyền lại.

Những mất mát đó, thiết nghĩ cũng là một lời cảnh báo đối với những cộng đồng vẫn quen sống dựa vào rừng, khai thác rừng đến kiệt quệ. Không riêng gì cây thuốc mà với tất cả các tài nguyên khác trong tự nhiên, nếu chúng ta không biết cách khai thác và sử dụng hợp lý thì một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả giá…