ThienNhien.Net – Trước thực tế nguồn tài nguyên cây thuốc nam ngày một giảm cả về chủng loại và số lượng ở một số tỉnh phía Bắc, ThienNhien.Net đã có cuộc điều tra khảo sát nhỏ tại địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Lào Cai – Nơi mà nhiều thầy thuốc quen gọi là “vương quốc” cây thuốc quý của nước ta để tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này.
Sau những chuỗi ngày luồn rừng, lội suối, ăn dầm ở dề với núi rừng Cao Bằng và Hoàng Liên (Lào Cai) chúng tôi đã ghi được những hình ảnh về sự tác động mạnh mẽ của con người vào nguồn tài nguyên cây thuốc nam, dẫn đến thực trạng đáng buồn như hiện nay.
Tại Cao Bằng, tỉnh có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây thuốc nam sinh trưởng và phát triển, với diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, đa dạng về hệ sinh thái nên Cao Bằng là nơi hội tụ của khá nhiều loại cây thuốc có giá trị cả về mặt đa dạng sinh học cũng như kinh tế.
Chính vì có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú nên ở hầu hết các huyện vùng biên của tỉnh Cao Bằng, cây thuốc đều bị người dân khai thác vô tội vạ.
Và những điểm thu mua như thế này hình thành ở rất nhiều ở các tuyến xã (Ảnh chụp tại xã Thanh Long, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng).
Thời gian gầy đây ở Cao Bằng đang rộ lên cơn sốt khai thác một loài cây mà theo người dân địa phương gọi là cây vàng vàng, họ thường chặt từng vác như vác củi đem về bán cho các điểm thu mua.
Tại xã Quang Trọng thuộc huyện Thạch An từ lâu đã hình thành lên điểm thu mua huyết đằng có quy mô lớn.
Tuy nhiên nói đến những điểm thu mua thuốc nam với số lượng lớn tại tỉnh Cao Bằng không thể không nhắc đến một số điểm thu mua tại xã Bế Triều thuộc huyện Hòa An với số lượng lên đến hàng trăm tấn. Tại đây cây thuốc được phơi từng sân, chất hàng đống như núi, sau đó sẽ được xe tải vận chuyển qua biên giới sang Trung Quốc tiêu thụ. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thực trạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở Cao Bằng giảm đi đáng kể. (Ảnh: Hội Đông y tỉnh Cao Bằng)
Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tài nguyên cây thuốc như phá rừng…
…đốt rừng làm nương làm rẫy
và khai thác quặng.
Song song với nạn khai thác cây thuốc tràn lan ở Cao Bằng thì tại VQG Hoàng Liên – Lào Cai hoạt động đưa cây thuốc ra khỏi rừng cũng không kém phần rầm rộ. Ở một số ngôi làng người Dao đỏ dưới chân dãy núi Hoàng Liên hùng vĩ, nhờ có rất nhiều kinh nghiệm dùng cây rừng làm thuốc nên việc bà con vào rừng lấy thuốc tràn lan cũng đã và đang góp phần rất lớn vào sự hủy hoại tài nguyên cây thuốc. (Ảnh: Nguyễn Bá Nhung)
Hình ảnh người dân địa phương vùng cao Sa Pa gùi cây thuốc đi chợ bán như thế này rất phổ biến.
Còn tại thị trấn Sa Pa đã hình thành lên hàng chục điểm tắm lá thuốc của người Dao đỏ để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Theo đó mỗi ngày những cơ sở này cũng tiêu thụ hàng tấn cây thuốc. Điều đáng lo ngại là tất cả đều lấy từ rừng Hoàng Liên.
Thậm chí tại thị trấn du lịch Sa Pa việc buôn bán thuốc nam đã trở thành một ngành phát triển kinh tế tại địa phương, với những dãy hàng thuốc nam tràn ngập thị trấn. Hầu hết những chủ cửa hàng đều cho biết là thuốc ở đây chỉ mua của bà con lấy từ rừng Hoàng Liên.
Còn tại thời điểm này người dân tập trung khai thác nhiều nhất là ba kích, với khối lượng hàng tấn mỗi ngày.
Chính nạn khai thác không khoa học, thấy là chặt, nhổ tận gốc rễ đã khiến nhiều cây thuốc quý ở Hoàng Liên đã gần như bị tuyệt chủng như: Hoàng Liên Gai, Hoàng Liên Ôrô…