ThienNhien.Net – Việc diện tích rừng ở Đăk Lăk bị thu hẹp mạnh, tài nguyên lâm sản mất nhiều, tính đa dạng sinh học suy giảm đáng kể đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường, hệ sinh thái và con người nơi đây.
Tuy có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng nhưng tốc độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở Đăk Lawk không theo kịp tốc độ phá rừng tự nhiên, nên độ che phủ bị suy giảm ngày càng tăng. Đặc biệt, đối với các địa bàn có làn sóng dân di cư từ nơi khác đến nhanh như Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Buôn Đôn, Krông Buk, Krông Năng, Buôn Đôn và Ea Súp có mức độ phá rừng rất cao, làm cho diện tích rừng giảm đáng kể, tài nguyên rừng bị suy kiệt, tính đa dạng sinh học suy giảm nhanh.
Trước đây, hầu hết các địa bàn trong tỉnh có nhiều cánh rừng nguyên sinh, những khu rừng rậm rất phong phú và giàu có các tài nguyên loại động thực vật. Do khai thác rừng quá mức, cộng với làn sóng dân di cư đến phá phá rừng làm nương rẫy, phát triển các loại cây công nghiệp cà phê, cao su, cây điều… đã nhanh chóng làm diện tích rừng thu hẹp.
Tác động nhiều mặt của con người đã dẫn đến chất lượng và tính chất rừng đã thay đổi đáng kể, nhiều loài động thực vật mất dần số lượng và nguồn gen, trong đó có những loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Cây thủy tùng là loài thực vật nguyên thủy được ghi vào sách đỏ thế giới chỉ có rất ít tại xã Ea Hồ huyện Krông Năng và xã Ea Ral huyện Ea H’leo. Do sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình thủy lợi, nên thủy tùng đã biến mất khỏi xã Ea Hồ.
Trước đây, những khu rừng ở hầu hết các huyện có khá nhiều loài gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, trắc, cà te, gụ mật… cùng với nhiều dược liệu quý với trử lượng lớn. Nhưng nay những loại cây này đã cạn kiệt đến mức đáng lo ngại, trong đó có một số loài thực vật quý đang có nguy cơ mất nguồn gen.
Một số loài dược liệu quý như vàng đắng, mã tiền, ngũ gia bì chân chim, sa nhân bị khai thác mang tính hũy diệt nên khó có thể tái sinh được ở nhiều khu rừng. Hầu hết các loài động vật trước đây có số lượng lớn, trong đó có cả loài quý hiếm được ghi vào danh sách quản lý và bảo vệ của thế giới, nay đã giảm số lượng đáng kể. Nhiều loài động vật như voi, bò tót, bò rừng, hươu nai, cùng với các loài chim quý như công, trĩ sao, gà lôi, gà tiền… đã giảm số lượng đến mức cạn kiệt.
Trong đó, có loài bò xám là động vật cực kỳ quý hiếm nay đã bị tuyệt chủng. Nai cà tong là động vật rất quý trước đây có số lượng khá nhiều ở một số khu rừng, nay chỉ còn tồn tại số lượng rất ít ỏi trong Vườn quốc gia Yor Đôn. Loại hươu đầm lầy có vài cá thế ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar), nhưng nay cũng biến mất.
Diện tích rừng thu hẹp, độ che phủ rừng và thảm thực vật thay đổi đã ảnh hưởng đến đời sống các loài động vật. Mất dần môi trường sinh sống, nhiều loài động vật đã di cư đến nơi khác.
Cách đây 30-35 năm voi rừng có khá phổ biến ở huyện M’Đrắc, Ea Kar, Lắk, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Năng nay đã hoàn toàn biến khỏi những vùng này. Loại hổ trước đây có khá phổ biến ở nhiều khu rừng ở trong tỉnh, nay hầu như không còn thấy trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, các loại động vật quý hiếm vẫn đang nguy cơ bị giảm số lượng và có thể bị tuyệt chủng trong thời gian không xa.
Với thực trạng rừng bị suy thoái, môi trường sinh thái tiếp tục biến đổi đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học ở Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên. Đó là những yếu tố đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế bền vững và cuộc sống con người đang sinh sống trên vùng cao nguyên này.