ThienNhien.Net – Đến giờ người ta vẫn chưa thể hiểu tường tận là tại sao dòng Mê Kông lại có nhiều loài cá lớn đến thế. Song một phần câu trả lời chắc chắn là ở “tầm vóc” của dòng sông: những dòng sông lớn bao giờ cũng có nhiều không gian và thức ăn hơn để dung dưỡng những loài cá lớn.
Một phần nữa của câu trả lời có lẽ nằm ở năng suất của hệ sinh thái lưu vực Mê Kông, bao gồm cả những bãi bồi ven sông và các khu rừng ngập nước, vốn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho vô vàn loài cá vào mùa mưa.
Dòng sông năng suất nhất trên thế giới…
Sông Mê Kông là dòng sông có đa dạng sinh học thứ hai hoặc thứ ba trên thế giới (tùy từng đánh giá) về nguồn cá nước ngọt. Và lẽ dĩ nhiên, một dòng sông với nhiều loài cá như vậy sẽ là môi trường lý tưởng cho các loài cá lớn.
Sự kỳ diệu của dòng Mê Kông không chỉ nằm ở sự đa dạng của các loài cá lớn, mà còn nằm ở “sức bền” của những loài này. Có thể thấy điều đó khi xét đến dân số của các cộng đồng ven sông và vào mức độ khai thác thủy sản nơi đây. Rõ ràng là quần thể cá Mê Kông có một khả năng phục hồi đặc biệt: Chẳng dễ dàng gì mà kiểu khai thác cạn kiệt có thể dẫn đến sự tuyệt chủng các loài ở đây. Điều này thường xảy ra do sự suy giảm môi trường sống hoặc các loài ngoại lai xâm lấn.
Xét về mặt này, Mê Kông là một dòng sông còn khá mạnh khỏe, tự nhiên và có dòng chảy tự do; một dòng sông mà trên phần lớn diện tích, hầu hết các môi trường sống và tính kết nối giữa chúng vẫn còn nguyên sơ. Dòng sông vẫn có khả năng sinh sôi 2.500.000 triệu tấn cá mỗi năm và là dòng sông năng suất nhất trên thế giới.
Với một dòng sông năng suất như Mê Kông, thật chẳng có lý gì lại đặt câu hỏi xem lợi ích từ các dự án đập thủy điện được đề xuất trên dòng chính của con sông này có thể vượt qua cái giá phải trả về môi trường không. Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn cần được trả lời và phải được nghiên cứu sâu hơn trước khi triển khai xây dựng các con đập trên dòng sông.
…đang bị đe dọa vì các đập thủy điện dòng chính
Con đập được đề xuất xây dựng đầu tiên trên dòng Mê Kông ở tỉnh Xayaburi của Lào đang là mối đe dọa đối với sự sống còn của quần thể cá tra khổng lồ Mê Kông. Các khu vực đẻ trứng của rất nhiều loài cá Mê Kông cũng bị đặt dưới mối đe dọa này.
Trong khi đó, con đập sắp được đề xuất tiếp theo là Sahong lại nằm trên đường di cư quan trọng nhất của cá ở Nam Lào.
Theo một Báo cáo năm 2010 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) thì các con đập được đề xuất trên dòng chính Mê Kông, nếu được xây dựng, sẽ đặt các loài cá lớn của sông Mê Kông vào nguy cơ tuyệt chủng. Và WWF hoàn toàn có lý khi cho rằng các con đập dòng chính Mê Kông sẽ tác động nghiêm trọng tới loài cá tra khổng lồ Mê Kông (Pangasianodon gigas).
Hầu hết các thông tin mà chúng ta có được về cá tra khổng lồ Mê Kông – là loài di cư, đặc hữu vùng Mê Kong, cần các điều kiện nhất định để sinh sản, không sinh sôi trong hồ chứa, sinh sản ở Bắc Thái Lan và Lào – đều cho thấy rằng đập Xayaburi và các con đập khác trên dòng Mê Kông sẽ mang lại những tác động nghiêm trọng tới loài này.
Các loài cá khổng lồ khác của Mê Kông cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tương tự. Bởi lẽ, rất nhiều loài cá da trơn lớn của Mê Kông là loài di cư. Trong khi đó, cá tra khổng lồ Mê Kông, cá vồ cờ (Pangasius sanitwongsei) và cá Hô (Catlocarpio siamensis) là những loài cực kỳ hiếm với chỉ 5-10 con trưởng thành đánh bắt được mỗi năm
Ngoài đập, thì các mối đe dọa khác đối với các loài cá khổng lồ của Mê Kông còn là khai thác quá mức (vốn đã đẩy số lượng các loài cá khổng lồ của Mê Kông xuống mức rất thấp); còn là sự suy giảm môi trường sống (do dùng lưới quét và thuốc nổ ở các khu vực khu đẻ trứng duy nhất được biết tới của loài cá tra khổng lồ Mê Kông) và các loài ngoại lai xâm lấn.
Đơn cử, một trong những loài cá lớn nhất trên thế giới – cá tra khổng lồ Mê Kông – loài đứng trong danh sách cực kỳ nguy cấp này đang bị đe dọa bởi tất cả các yếu tố trên – khai thác quá mức, xây đập và suy giảm môi trường sống. Nguy cơ mất đi loài cá này trước khi chúng ta hiểu được chúng và các mối đe dọa mà chúng đang phải đối mặt là không hề cường điệu.
Tới 80% loài cá lớn của Mê Kông đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng các loài cá khổng lồ Mê Kông
Chúng ta còn hiểu biết rất ít về đặc tính sinh thái của các loài cá khổng lồ của Mê Kông và những gì chúng ta biết đều cho thấy rằng chúng cần các dòng sông mạnh khỏe, có dòng chảy tự do để sống sót.
Thiếu các nghiên cứu sâu hơn, thì nguy cơ cao là các con đập dòng chính sẽ đẩy ít nhất một loài, nếu không phải là tất cả các loài này, vào thảm họa tuyệt chủng. Chúng ta đã chứng kiến câu chuyện tương tự xảy ra với dòng sông Dương Tử của Trung Quốc, nơi mà hai loài lớn nhất của dòng sông này lâm nguy sau khi đập được xây dựng. Một trong hai loài đó là Cá tầm thích Trung Quốc có thể đã tuyệt chủng.
Trước những nguy cơ nhãn tiền đó, con người có rất nhiều việc cần làm để bảo vệ các loài cá khổng lồ của Mê Kông:
Duy trì tính kết nối giữa khu vực sinh trưởng và môi trường đẻ trứng: rất nhiều loài cá của Mê Kông có vòng đời phức tạp, đòi hỏi di cư một quãng đường rất dài để đẻ trứng.
Quản lý sông vì các dòng chảy môi trường: Cả cá và ngư dân trên lưu vực Mê Kông đều phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ mùa mưa – mùa khô tự nhiên. Dòng chảy là tín hiệu cho cá di cư hoặc đẻ trứng; dòng chảy cao vào mùa mưa mang lại môi trường sống thuận lợi cho cá kiếm mồi. Tương tự như vậy, người dân địa phương sáng tạo ra các cách thức riêng bắt cá phù hợp với từng khu vực, dòng chảy và thời điểm nhất định của năm.
Quản lý và giám sát khai thác: Khai thác cạn kiệt là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các loài lớn nhất, sống lâu nhất và cũng lại dễ tổn thương nhất của dòng Mê Kông. Ở khu vực áp lực đánh bắt nặng nề (thực tế là trên hầu khắp lưu vực Mê Kông), việc đánh bắt cá phải được kiểm soát để đảm bảo rằng loài này có thể sống sót. Bài học từ các khu vực khác trên thế giới đã cho thấy là các loài cá lớn và phát triển tương đối chậm không thể chịu được áp lực đánh bắt ồ ạt thiếu kiểm soát.
Nghiên cứu và ra quyết định dựa trên nghiên cứu: Nghiên cứu cơ chế sinh thái và bảo tồn các loài cá lớn trên lưu vực Mê Kông là vô cùng cấp thiết. Có thể coi cá vồ cờ là một ví dụ. Chúng ta hầu như không biết gì về cơ chế sinh thái và bảo tồn loài này, nhưng chắc chắn đây là một trong những loài cá lớn nhất, hiếm nhất và dễ bị tổn thương nhất trong tất cả các loài cá của Đông Nam Á.
Có lẽ, chúng ta đã nghiên cứu về cá hồi ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhiều hơn cá ở sông Mê Kông ít nhất tới một trăm lần, trong khi những hậu quả mất mát những loài cá khổng lồ này của Mê Kông lại nghiêm trọng hơn một trăm lần về phương diện đa dạng sinh học và tác động tiềm tàng đến sinh kế.